Những nguyên tắc kinh doanh của người Do-thái

Article Index

Dòng họ ROTHSCHILD và Bill Gates, Estee Lauder và George Soros, ... nếu như tiếp tục danh sách những người giàu có nhất thế giới, thì phải mất nhiều trang giấy. Nhưng, ngoài những thành công đến mức gần như cổ tích hoang đường trong tài chính kinh doanh, những con người nói trên còn có một điểm giống nhau chung khác nữa – đó là nguồn gốc Do-thái của họ. Dù cho điều này có lạ lùng đến thế nào đi chăng nữa, thì trong số những con người giàu có nhất, hầu như ở nước nào trên thế giới cũng vậy, đều có rất nhiều những người Do-thái. Tại sao lại như vậy? Tại sao thành công và tiền của lại ưa thích người Do-thái đến như vậy? Hay là những người dân tộc này có được trong tay những bí quyết làm giàu đặc biệt mà chỉ họ mới có? "Sự kiện là một điều không thể chối cãi được" - người ta thường nói như vậy. Và sự kiện thực tế chỉ ra cho thấy là một số lượng lớn những người rất giàu có như vậy (trong một dân tộc rõ ràng còn xa mới có thể gọi là đông dân trên thế giới) không thể nào là một sự tình cờ ngẫu nhiên được.
Những nhà bác học nghiên cứu những điều răn cơ sở đạo đức của Do-thái giáo, và họ đã tìm khám phá ra rằng đa số những điều răn trong số 613 điều răn mà người Do-thái phải tuân thủ từ thuở xa xưa đến giờ, đến tận ngày hôm nay vẫn còn nguyên tính thời đại và thực tế quan trọng của chúng.
Có phải chăng là chính những điều răn và quy tắc sống đó, nằm trong máu tuỷ của người Do thái và được giữ nguyên truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, đã giúp cho họ đạt được những thành công to lớn như vậy trong kinh doanh?
Xin phép được giới thiệu tóm tắt với bạn đọc những ý tưởng cơ bản của những nguyên tắc vàng trong làm ăn kinh doanh đó.

1.    Hãy coi tài sản của bạn mình cũng quý giá như của chính mình

Nếu người nào sống trung thực trong công việc làm ăn của mình và được người khác tôn trọng, thì người đó được đánh giá như là đã tuân thủ trọn vẹn những lời răn dạy của bộ Tora.
Nhiều người cho rằng sống đạo nghĩa là biết giữ và tuân thủ theo những lễ nghi tôn giáo. Nhưng trong tiêu chuẩn của người Do-thái, theo quyển sách dạy sống đạo Talmud của họ, thì thái độ trung thực của con người trong công việc cũng quan trọng giống như đòi hỏi tuân thủ những điều răn của Tora. Thậm chí trong sách Talmud đó còn ghi rằng, khi con người kết thúc cuộc sống của mình trên đất, đến trước mặt toà án thiên thượng để chờ đợi bản phán quyết về số phận của mình, anh ta sẽ phải trả lời câu hỏi: "Ngươi đã sống trung thực trong công việc của mình không?"
Trong sách Tora có chép rằng, điều kiện để cho người Do-thái còn được sống trong đất hứa, đó là những người lái buôn của họ sẽ không lừa gạt khách hàng của mình.
Phục truyền 25:15  "Phải dùng trái cân đúng thật và công bình, cũng phải có ê-pha đúng thật và công bình, để ngươi được sống lâu trên đất mà Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi ban cho ngươi..."
Một ông Rabbin Iosi người Do-thái đã có một lời khuyên mà có thể áp dụng được trong mọi hoàn cảnh: "Hãy coi tài sản của bạn mình cũng quý giá như của chính mình". Tất nhiên, những lời dựa trên nền tảng của Quy Tắc Vàng: "Hãy yêu kẻ lân cận như mình".
Ai đó có thể nghĩ rằng vừa giữ theo Quy Tắc Vàng vừa làm ăn kinh doanh là không thực tế, thậm chí còn quá ngây thơ nữa. Chính vì lý do đó mà họ muốn đánh giá đạo đức con người theo việc tuân thủ những nghi lễ tôn giáo mà thôi. Vì như thế thì dễ sống thực dụng hơn là việc giữ theo tiêu chuẩn đạo đức cả trong tôn giáo cả trong công việc kinh doanh hàng ngày.
Thế nhưng truyền thống của người Do-thái luôn nhấn mạnh điều này. Trong một đoạn Thi thiên 116 có câu "Tôi sẽ đi trước mặt Đức Giê-hô-va tại đất kẻ sống". Những thầy Rabbin dạy luật của người Do-thái trước kia rất chú ý về một đoạn câu nói "tại đất kẻ sống", vì theo lời của ông Rabbin Giehuđa, rất nổi tiếng trong thời của mình, thì cách nói đó có ý nghĩa "là một chỗ như là chợ để buôn bán" (theo Talmud Babylon). Nghĩa là có thể xét xem đức tin của một con người có thật không theo cách cư xử của anh ta nơi phố chợ, chứ không phải là nơi nhà hội.
"Chỉ có người nào có thể tin cậy được trong công việc mới có thể coi là một người sống tin kính đạo đức"...

2.    Đừng mua đồ ăn cắp

Cốt lõi của nguyên tắc này là những suy nghĩ sáng suốt lành mạnh.
Thí dụ, nếu một người bán hàng đón gặp bạn ngoài đường rồi đề nghị bạn mua những đồ ăn thức uống với giá chỉ bằng một nửa, lại còn đem chở đến tận nhà nữa. Bạn không có cách nào để kiểm tra xem người đó đã kiếm được những mặt hàng đó một cách trung thực hay không. Nhưng trong những trường hợp này, luật của người Do-thái đòi hỏi bạn phải coi người đó là không trung thực, và phải tránh không mua hàng của họ.
Thông thường, người mua đồ ăn cắp không tự coi mình là người không trung thực, và vẫn cho rằng mình còn tốt hơn gấp vạn lần loại người mà đang bán hàng cho họ. Thế nhưng luật của người Do-thái không đồng tình với quan điểm trên: "Cấm không được mua của kẻ trộm những tài sản nó ăn cắp được. Đó là tội lỗi, vì nó khuyến khích kẻ tội phạm và thúc giục kẻ trộm lại ăn cắp tài sản của người khác."
Cuối thập kỷ 80 trên thị trường tài chính NewYork xảy ra một vụ tai tiếng lớn về việc mua đồ ăn cắp. Một nhà doanh nghiệp bỏ tiền ra để mua chuộc những nhân viên của các công ty luật và tài chính để có được thông tin về thời điểm các công ty mà ông ta có quan hệ làm ăn sẽ được đem ra bán. Biết rằng cổ phần của các công ty này sẽ lên giá nhiều, ông ta đã thu mua hết chúng và trong vài năm sau đó thu được nhiều triệu đô-la tiền lời. Thế nhưng khi vụ này phát lộ ra, ông ta và những người đã bán thông tin cho ông ta đã bị đưa ra trước pháp luật. Mua lại thông tin từ những người không có quyền sở hữu hay là bán nó – đó cũng một hình thức khác của việc tìm cách mua đồ ăn cắp.
Nói một cách đơn giản – nếu ai đó tìm cách bán cho bạn cái gì không thuộc quyền sở hữu của anh ta – thì bạn không được quyền mua nó. Như trong sách Châm ngôn có nói: "Kẻ nào chia phần với kẻ trộm thù ghét chính linh hồn mình" (Châm ngôn 29:24)


© 1999-2017 Tinlanh.Ru