Món nợ của chúng ta trước người Y-sơ -ra-ên

Article Index

israel-flagKhi trò chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nhà Gia-cốp, Chúa Giê-xu đã nói với bà ta: "Các ngươi thờ lạy sự các ngươi không biết, chúng ta thờ lạy sự chúng ta biết, vì sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến..."( Tin lành theo Giăng 4:22). Chúa Giê-xu dùng từ "các ngươi" để chỉ người Sa-ma-ri; còn từ "chúng ta" dành cho người Giu-đa. Như vậy, Ngài đánh đồng Ngài với người Giu-đa, và Ngài nói điều đó ra như một trong những người Giu-đa. Trong sách cuối cùng của Kinh Thánh - Khải huyền 5:5 - Chúa Giê-xu được gọi là "sư tử của chi phái Giu-đa". "Giu-đa" là một cái tên làm gốc cho từ "người Giu-đa". Đối với tất cả chúng ta rất quan trọng một điều là Chúa Giê-xu có liên quan và được đồng nghĩa với người Do-thái. Sự đồng nghĩa này không những không kết thúc cùng với cái chết của Ngài mà còn được Kinh thánh tiếp tục sau sự chết, sự chôn và sự sống lại, sự đồng nghĩa này còn mãi cho đến muôn đời.

Đối với tất cả chúng ta cũng quan trọng hệt như thế việc công nhận chân lý Chúa Giê-xu đã nói với người đàn bà Sa-ma-ri ngày nọ: "...sự cứu rỗi bởi người Giu-đa mà đến". Đây là sự kiện lịch sử không thể chối cãi, bởi lẽ không có người Do-thái thì chúng ta không thể có những anh hùng đức tin thuở trước và các đấng tiên tri, không thể có các sứ đồ cùng Kinh thánh, và điều quan trọng bậc nhất - không thể có Chúa Cứu Thế! Không có những điều đó, chúng ta có thể có sự cứu rỗi nào chăng? Không một sự cứu rỗi nào hết!

Tất cả các dân tộc khác trên thế giới đều mắc nợ người Do-thái về hết thảy những gì đáng giá nhất trong sự kế thừa thuộc linh. Chân lý này đúng với tất cả chúng ta, dù chúng ta thuộc dân tộc nào - người ảrập, người Châu Phi, Châu á, Châu Âu, người Nga, người Mỹ hay người Trung quốc.

Kinh thánh trình bày rất rõ ràng những đòi hỏi của Đức Chúa Trời đối với cơ đốc nhân thuộc các dân tộc khác - công nhận món nợ của họ trước người Do-thái và làm mọi sự để trả hết nợ. Trong chương 11 của thư Rô-ma sứ đồ Phao-lô hướng đến những cơ đốc nhân thuộc dân ngoại. ở câu 13 ông nói: "Tôi nói cùng anh em là người ngoại...". Ông nhắc nhở họ về món nợ trước người Do-thái và ngăn chặn họ khỏi làm cao hay vô ơn trước người Y-sơ-ra-ên. Việc phân tích chương 11 cho thấy sứ đồ Phao-lô dùng danh "Y-sơ-ra-ên" để chỉ những ai sinh ra là người Do-thái để phân biệt với những cơ đốc nhân xuất thân từ dân ngoại. Nói cách khác, ông không dùng "Y-sơ-ra-ên"như một đồng nghĩa của từ "Hội thánh".

Trong thư Rô-ma 11:30-31 sứ đồ Phao-lô tổng kết những điều ông đã nói về nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ đốc nhân người ngoại trước người Y-sơ-ra-ên (để làm rõ nghĩa tôi để trong ngoặc đơn những từ tương ứng "người Y-sơ-ra-ên" hay "dân ngoại"):

"... Lại như khi trước anh em (người ngoại) đã nghịch cùng Đức Chúa Trời, mà bây giờ được thương xót bởi sự nghịch của họ (người Y-sơ-ra-ên), thì cũng một thể ấy, bây giờ họ (người Y-sơ-ra-ên) đã nghịch, hầu cho cũng được thương xót bởi sự thương xót đã tỏ cho anh em (người ngoại)."

Nói cách khác, vì qua người Y-sơ-ra-ên sự thương xót của Đức Chúa Trời đã đạt tới chúng ta, những cơ đốc nhân từ dân ngoại, thì giờ đây Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta, đến lượt mình, thể hiện sự thương xót đối với người Y-sơ-ra-ên. Làm cách nào chúng ta có thể thực hiện được nghĩa vụ này? Dưới đây chỉ ra 4 cách ta có thể áp dụng trong thực tế.

Thứ nhất, chúng ta phải nuôi trong lòng và bày tỏ một tình yêu thương chân thành đối với người Do-thái. Những hình thức "làm chứng" hay "truyền giảng" thông thường mà cơ đốc nhân vẫn áp dụng sẽ không động lòng người Do-thái. Thực tế là những cách thức này chỉ làm người Do-thái nổi nóng hoặc xa lánh. Nhưng sẽ tuyệt biết bao nếu cái vỏ bọc bề ngoài có vẻ rắn chắc của người Do-thái tan chảy khi gặp một tình yêu thương ấm áp, không giả dối. Sau 14 thế kỷ phiêu tán giữa các dân tộc khác, có một điều người Do-thái hiếm khi gặp - đó là tình yêu thương! Vì Chúa, chúng ta hãy thôi cố gắng "thuyết giáo" cho người Do-thái, ta hãy cùng bắt đầu hoàn trả cho họ món nợ tình yêu thương vẫn đeo đuổi chúng ta trong vòng bấy nhiêu thế kỷ qua.

Thứ hai, trong thư Rô-ma 11:11 sứ đồ Phao-lô nói rằng: "sự cứu đã đến cho dân ngoại, hầu để giục lòng tranh đua của họ(người Y-sơ-ra-ên)". Đó là một cách thứ hai để chúng ta có thể trả nợ cho người Y-sơ-ra-ên - vui sướng và thể hiện sự đầy rẫy của những phước hạnh Đức Chúa Trời ban cho chúng ta trong Chúa Giê-xu Christ để sao cho họ thấy ghen tị và cũng muốn có điều đã khiến chúng ta vui mừng. Những phước hạnh đó phải được có ở mọi lĩnh vực của đời sống chúng ta - thuộc linh, thuộc thể , tiền bạc, của cải vật chất. Nhưng hơn cả là phước hạnh phải thấy được trong cuộc sống của chúng ta , những tín đồ của Chúa Giê-xu, là một cuộc sống của sự công bình, bình an và niềm vui trong Đức Thánh Linh.

Than ôi! Trong suốt bề dày lịch sử, người Do-thái ít khi thấy điều gì ở cơ đốc nhân khiến họ phải tranh đua. Thường là họ thấy các giáo phái tự nhận mình là "cơ đốc nhân" nhiều không đếm xuể, các giáo phái này chỉ trích và thậm chí giết hại lẫn nhau, tất cả những sự đó đều nhân danh Cơ đốc giáo. Không ở đâu sự bất đồng quan điểm lại được thể hiện ầm ĩ như ở Giê-ru-sa-lem, thành thánh đối với người Do-thái lẫn Cơ-đốc nhân. Thường ở những chỗ được gọi là "thánh địa" của thế giới Cơ đốc, đại diện của các giáo phái Cơ đốc xích mích lẫn nhau, gây đổ máu cho nhau để chứng tỏ sự chính thống của giáo phái mình và bảo vệ đền thờ và quyền lợi của mình. Kể từ ngày Y-sơ-ra-ên lập quốc trở lại không ít lần giáo sĩ của một nhóm Cơ đốc này khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Tôn giáo Y-sơ-ra-ên về đại diện của một nhóm Cơ đốc khác và xin trục xuất nhóm kia ra khỏi nước sở tại. Tất cả những điều đó khó có thể khiến người Do-thái phải thốt lên: "Hãy xem những người cơ đốc nhân yêu thương nhau biết mấy!".


Thứ ba, Kinh thánh khuyên nhủ chúng ta cầu phước cho Y-sơ-ra-ên qua lời cầu nguyện: "Hãy cầu hoà bình cho Giê-ru-sa-lem; Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh" (Thi-thiên 122:6). Để cầu nguyện như vậy một cách hiệu quả, chúng ta cần tìm hiểu trong Kinh thánh những mục đích của Đức Chúa Trời đối với Y-sơ-ra-ên và Giê-ru-sa-lem, sau đó đặt mình vào sự cầu nguyện khôn ngoan và liên tục cho sự thành tựu của những mục đích đó. Càng nghiên cứu Kinh thánh, ta càng phát hiện ra rằng thường thường sự công bình và bình an được toả ra từ Giê-ru-sa-lem đến với mọi dân tộc trên trái đất, vì vậy sự hưng thịnh của mọi dân tộc đều nằm trong lời cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem và phụ thuộc vào sự linh nghiệm của nó.

Mô hình của sự cầu nguyện bền đỗ kiểu này đã được tiên tri Đa-ni-ên đặt ra, ông cầu nguyện hàng ngày ba lần bên cửa sổ hướng về thành Giê-ru-sa-lem. Những lời cầu nguyện của Đa-ni-ên khiến Sa-tan bất yên và làm rúng động vương quốc của nó đến nỗi Sa-tan đã sử dụng sự ghen tị của những kẻ ác để thay đổi Luật pháp toàn bộ đế quốc Ba-tư, tuyên bố rằng sự cầu nguyện của Đa-ni-ên là phạm pháp. Mặt khác, sự cầu nguyện cho thành Giê-ru-sa-lem có ý nghĩa to lớn đối với Đa-ni-ên khiến ông thà bị ném vào hang sư tử còn hơn là thôi cầu nguyện. Cuối cùng, đức tin của Đa-ni-ên và sự dũng cảm của ông đã vượt qua sự chống đối của Sa-tan và Đa-ni-ên đã đắc thắng bước ra từ hang sư tử - tiếp tục cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem (Xem sách tiên tri Đa-ni-ên, đoạn 6).

Nghiệm từ kinh nghiệm bản thân qua nhiều năm, tôi muốn nói thêm lời bình luận cho chủ đề này. Tôi phát hiện ra rằng khi nhận cho mình nghĩa vụ cầu nguyện cho Giê-ru-sa-lem và Y-sơ-ra-ên chắc chắn các bạn sẽ khơi lên sự chống đối dữ dội của các thế lực ma quỷ. Mặt khác, tôi cũng khám phá ra là lời hứa của Đức Chúa Trời ban cho những ai cầu nguyện như vậy sẽ được làm thành - "... Phàm kẻ nào yêu mến ngươi sẽ được thới thạnh". Đây là lối mòn của Kinh thánh dẫn đến sự thới thạnh - không chỉ trong lĩnh vực tiền bạc hay các quan hệ vật chất, mà còn ở trong sự tin tưởng thường xuyên vào sự thương xót, sự thấu suốt và sự bảo vệ của Đức Chúa Trời.

Thứ tư, chúng ta có thể cố gắng trả món nợ của chúng ta đối với người Y-sơ-ra-ên bằng những hành động cụ thể của lòng nhân hậu và thương xót. Trong thư gửi người Rô-ma 12:6-8 sứ đồ Phao-lô liệt kê bảy ơn khác nhau mà cơ đốc nhân cần nuôi dưỡng và thực hành. Ơn cuối cùng trong số đó là ơn làm "sự thương xót". Tôi tin rằng cần sao cho tất cả chúng ta, những người cơ đốc nhân, sử dụng ơn này không chỉ đối với một số người Do-thái riêng lẻ mà đối với toàn bộ dân Y-sơ-ra-ên nói chung. Bằng cách đó chúng ta trong chừng mực nhất định có thể đôi chút chuộc lại muôn vàn hành động bất công, dã man và tàn bạo mà chúng ta đã làm cho người Do-thái trong mười mấy thế kỷ qua nhân danh Cơ đốc giáo.

Không mấy cơ đốc nhân người ngoại biết mối liên hệ sâu sắc nhưng kín giấu của người Do-thái đối với họ. Người Do-thái đã trải qua nhiều sự bắt bớ của bao người dưới mọi hình thức khác nhau, cái nhìn lịch sử của người Do-thái thấy rằng những kẻ bắt bớ họ dã man và liên tục nhất là cơ đốc nhân. Trước khi bác bỏ nhận định này, cho rằng nó sai lầm và bất công, chúng ta hãy cùng điểm lại những sự kiện lịch sử nền tảng của nó.

Trong thời Trung cổ những người thập tự chinh đi "giải phóng" Đất Thánh, trên đường đi qua Châu Âu đã tiêu diệt những khu dân cư của người Do-thái, giết toàn bộ đàn ông, đàn bà lẫn trẻ em. Sau đó, khi đã chiếm được Giê-ru-sa-lem, họ đã đổ thêm nhiều máu và dã man hơn nhiều quân đội viễn chinh khác từng xâm lược xứ sở này, may ra thì họ chỉ thua kém quân đội La-mã dưới sự lãnh đạo của Tít. Họ làm tất cả những điều đó nhân danh Giê-xu và luôn trưng thập tự giá như một biểu tượng thánh. (Vì thế nên riêng không bao giờ tôi vui lòng khi thấy bất kỳ một buổi truyền giảng Tin lành nào được ví như " một cuộc Thập tự chinh").

Muộn hơn, trong những vùng Giáo địa ở châu Âu và Nga chính những linh mục Cơ đốc đã hành hình, chỉ đạo các cuộc tất công vào các khu người Do-thái để cướp bóc, đốt nhà họ và Nhà hội, hãm hiếp phụ nữ và giết những ai dám tự vệ. Họ làm tất cả những điều đó vì người Do-thái "đã giết Chúa Giê-xu".

Rồi đến những người quốc xã, là thời kỳ tôi còn nhớ, trong sự huỷ diệt có hệ thống sáu triệu người Do-thái đã sử dụng những người Cơ đốc nhân, thường là người theo phái Lu-thơ-ran (đạo Luy-te) hoặc Công giáo. Hơn thế, không một nhóm Cơ đốc trọng yếu nào ở châu Âu hay ở nơi khác trên thế giới lên tiếng phản đối hay buộc tội chính sách của người quốc xã đối với người Do-thái. Trong con mắt người Do-thái cơ đốc nhân có lỗi chỉ vì đã im lặng.

Để bóc khỏi ý thức của người Do-thái ảnh hưởng của quá khứ đau thương cần một điều gì đó lớn hơn là phát truyền đạo đơn và truyền giảng. Để làm điều đó cần phải có những hành động đầy tốt lành và thương cảm của cá nhân cũng như tập thể ở mức độ mạnh như những gì bất công và tàn bạo trước kia.

Cuối cùng, chúng ta phải ghi nhớ rằng một trong những thước đo sự phán xét của Đức Chúa Trời trên mọi dân tộc sẽ là thái độ của họ đối với người Do-thái. Trong sách Tin lành theo Ma-thi-ơ 25:31-46 có miêu tả bức tranh ngày Tận thế, Đấng Christ là vị Vua ngự trên ngôi vinh hiển và các dân tộc đến trước Ngài để chịu phán xét. Có hai loại người được phân ra - "chiên" là những ai được vào Vương quốc của Đấng Christ và "dê" là những ai bị đuổi ra khỏi Vương quốc Ngài. Trong mỗi trường hợp Chúa Giê-xu đưa ra nguyên nhân - "vì các ngươi đã làm việc này (hoặc đã không làm) cho một người trong những người rất hèn mọn này của ANH EM TA". Những dân tộc thương xót dân tộc Do-thái thì sẽ được Đức Chúa Trời thương xót; dân tộc nào không thương xót dân tộc Do-thái thì cũng sẽ không có sự thương xót của Đức Chúa Trời.

Điều đó rất thường xuyên được khẳng định trong lịch sử. Ví dụ, vào thế kỷ 15-16 Tây-ban-nha là một cường quốc hàng đầu ở Châu Âu, trình độ văn hoá cao, quân đội và hải quân hùng hậu. Đế quốc của nó trải khắp 2 bán cầu. Song, chưa đầy 100 năm sau khi đuổi hết người Do-thái ra khỏi lãnh thổ, Tây-ban-nha trở thành một quốc gia hạng hai.

Trong trí nhớ của bản thân tôi một điều rất giống thế xảy ra với Tổ quốc tôi - Vương quốc Anh. Nước Anh qua hai cuộc chiến tranh Thế giới vẫn là một Đế quốc nguyên lành, một Đế quốc có thể nói là lâu nhất trong lịch sử loài người. Song, vào những năm 1947-1948 nước Anh đã đặt quyền bảo hộ ở Palestin, nước Anh chống lại và cố gắng phá tan sự phục hồi của nhà nước Y-sơ-ra-ên độc lập và có chủ quyền trên đất cũ của người Do-thái.(Vào thời kỳ đó, tôi sống ở Giê-ru-sa-lem nên tôi kết luận như một người làm chứng trực tiếp những gì xảy ra thực sự). Kể từ thời điểm lịch sử đó, Đế quốc Anh đi vào quá trình suy thoái và tan rã một cách nhanh chóng và hoàn toàn đến mức không thể đơn giản giải thích điều đó bằng các dữ kiện chính trị, quân sự hay kinh tế. Ngày hôm nay, một thế hệ chưa qua mà Vương quốc Anh đã giống như Tây-ban-nha, chỉ còn là một quốc gia hạng hai.

Điều đó cho thấy hiện thực nguyên tắc của Đức Chúa Trời đã được khẳng định ở sách tiên tri Ê-sai 60:12: "Vì dân và nước nào chẳng thần phục ngươi thì sẽ bị diệt vong. Những nước đó sẽ bị hoang vu cả". Trong câu này Đức Chúa Trời hứa với người Y-sơ-ra-ên và cũng báo trước cho tất cả các dân ngoại rằng Ngài sẽ đem sự phán xét cho bất kỳ dân tộc nào chống lại mục đích giải phóng và phục hồi Y-sơ-ra-ên của Ngài. Vì vậy trong việc tìm kiếm và cầu nguyện cho sự thương xót Y-sơ-ra-ên cơ đốc nhân người ngoại cần hiểu rõ họ phục vụ không chỉ cho lợi ích của người Y-sơ-ra-ên, mà còn hơn thế nhiều cho lợi ích của chính dân tộc mình.

 

Đê-rếch Prinx

dprince_bioVề tác giả: Đê-rếch Prinx sinh trưởng ở ấn-độ, trong một gia đình thần dân Anh quốc. Ông đã nghiên cứu tiếng Hy-lạp cổ và La-tinh ở những trường Đại học nổi tiếng nhất của nước Anh - trường Cao đẳng Y-tôn và Tổng hợp Cambrít. Từ năm 1949 đến năm 1949 ông dạy môn triết học cổ đại và hiện đại ở trường Cao đẳng Kings thuộc Đại học Tổng hợp Cambrít. Ông cũng học tiếng Hê-bơ-rơ và thổ ngữ A-ra-mei ở trường Cambrits và trường Đại học Tổng hợp Hê-bơ-rơ ở Giê-ru-sa-lem.Ngoài ra, Đê-rếch Prinx còn thông thạo vài ngôn ngữ hiện đại. Cách tiếp cận vô giáo phái của Đê-rếch đối với những lẽ thật Kinh thánh khiến sự dạy dỗ của ông được những người thuộc các dân tộc khác nhau và quan điểm tôn giáo khác nhau tiếp nhận. Chương trình truyền thanh hàng ngày "Hôm nay với Đê-rếch Prinx" được truyền đi gần như khắp thế giới, có lời dịch ra ba thổ ngũ Trung quốc, tiếng Tây-ban-nha và tiếng Nga. Không nhìn vào tuổi tác (ông đã ngoại 80) Đê-rếch không ngừng làm việc trên cánh đồng của Đức Chúa Trời - ông giảng dạy những sự tỏ ra lẽ thật của Đức Chúa Trời, cầu nguyện cho kẻ đau và chia sẻ cách nhìn nhận tiên tri về những sự việc diễn ra trên thế giới dưới ánh sáng của Kinh thánh.

ND - TNM Tinlanh.Ru



© 1999-2017 Tinlanh.Ru