Bó chân tay, nhưng không bó đức tin

 Jesus Heals Paralytic and Forgives Sin

Bạn thân mến,

Khi đọc trong Tân Ước những đoạn chép về những điều kỳ diệu Chúa Jê-sus đã làm, trái tim đức tin trong lòng bạn có nhảy múa hồi hộp không? Thật tuyệt vời, khi ngẫm ra rằng những điều kỳ diệu đó đã được Chúa cho ghi lại vì cớ chúng ta, để khi học được đức tin giống như những người thời đó, thì đời sống chúng ta cũng sẽ có những điều kỳ diệu Chúa giúp cho mình.

Chúng ta sẽ cùng suy ngẫm về những nguyên tắc đức tin Chúa dạy, qua chuyện những con người đã nhận được sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Trong những người được Chúa chữa lành, có không ít trường hợp bại liệt. Nếu những người đã không thể tự làm được gì cho bản thân, mà vẫn tìm được sự chữa lành, thế thì không có hoàn cảnh nào là vô phương cứu chữa. Dù chúng ta thấy mình như bất lực, thì vẫn có quyền phép Đức Chúa Trời sẵn sàng giải cứu và biến đổi hoàn toàn cuộc sống chúng ta.

Miễn là nếu có ở trong hoàn cảnh khó khăn như bó chân tay, bạn nhất định đừng để cho mình bị trói buộc đức tin.

Nếu tự thấy mình không đủ sức, hãy nhớ rằng hoàn cảnh của chúng ta có thể xoay chuyển được, nếu chúng ta biết kết hiệp đức tin với những người bạn đồng lòng giúp đỡ mình. Đây là kinh nghiệm rút ra từ câu chuyện thứ nhất mà chúng ta sẽ đọc. Và hiểu được nó rồi, chúng ta sẽ có thể giúp được cho người khác đến với Đức Chúa Trời, vì vẫn có rất nhiều người cảm tình với Đức Chúa Trời, nhưng chưa thật sự có đức tin. Họ vẫn như những người bại liệt.

Nhờ kết hiệp đức tin nhiều người

Mác đoạn 2 ({zefaniabible tooltip VIE}Mark 2:1-12{/zefaniabible})
1 Khỏi một vài ngày, Ðức Chúa Jêsus trở lại thành Ca-bê-na-um, và chúng nghe nói Ngài ở trong nhà. 2 Họ họp lại tại đó đông lắm, đến nỗi trước cửa cũng không còn chỗ trống; Ngài giảng đạo cho họ nghe.
3 Bấy giờ có mấy kẻ đem tới cho Ngài một người đau bại, có bốn người khiêng. 4 Nhưng, vì đông người, không lại gần Ngài được, nên dở mái nhà ngay chỗ Ngài ngồi, rồi do lỗ đó dòng giường người bại xuống.
5 Ðức Chúa Jêsus thấy đức tin họ, bèn phán với kẻ bại rằng: Hỡi con ta, tội lỗi ngươi đã được tha...
10 Vả, để cho các ngươi biết rằng Con người ở thế gian có quyền tha tội, thì Ngài phán cùng kẻ bại rằng: 11 Ta biểu ngươi, hãy đứng dậy, vác giường đi về nhà.
12 Kẻ bại đứng dậy, tức thì vác giường đi ra trước mặt thiên hạ; đến nỗi ai nấy làm lạ, ngợi khen Ðức Chúa Trời, mà rằng: Chúng tôi chưa hề thấy việc thể nầy.

Đọc những câu chuyện trong Kinh thánh, chúng ta không nên chỉ bắt chước những hành động người ta làm, mà phải suy ngẫm để học hỏi những nguyên tắc đức tin có thể áp dụng cho bất kỳ con người nào trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Thứ nhất, khi một người nào chưa tự đến được với Chúa Jê-sus (như người bại cần sự chữa lành), thì cần sự hiệp sức của đức tin nhiều người mà đưa anh ta đến. Chúng ta có thể và cần phải hiệp cùng nhau giúp đỡ đức tin người khác.

Thứ hai, muốn làm việc thiện giúp người, chúng ta vẫn sẽ gặp phải sự cản trở. Chúng ta phải rèn tập tinh thần sẵn sàng vượt khó, đừng bàn lùi, đừng bỏ cuộc, và dám suy nghĩ vượt khuôn khổ, sáng tạo (đưa người bại trèo lên mái nhà, và dỡ ngói dòng bạn mình xuống).

Thứ ba, phải có sự hiệp một, thể hiện ra qua hợp tác hoạt động nhịp nhàng của mấy người, để đưa được người bệnh lên mái nhà và thả anh ta xuống. Trong mỗi buổi nhóm họp, đặc biệt trong các buổi nhóm tế bào, nếu cứ mỗi người nói chuyện riêng bàn tán một kiểu, thì chẳng thể nào mà hiệp được đức tin, đưa được lòng người đến với Đức Chúa Trời. Chúng ta phải hiệp lòng cầu nguyện, hiệp lòng nhắc nhau tập trung vào thời gian nhóm, tập trung mỗi người làm tốt phần công việc mình, thì mới có kết quả đức tin và sự hiện diện quyền năng của Chúa thăm viếng nhóm.

Thứ tư, mọi việc chúng ta làm phải bằng động lực đức tin, và cũng nhắm mục đích là gây dựng đức tin. Vì Chúa Jê-sus chỉ chú ý nhìn xem đức tin của con người, để ban phần thưởng. Nếu chúng ta chỉ chú ý dựa vào tình cảm con người mà đến với Đức Chúa Trời, thì chưa chắc đã được quyền phép Chúa, vì chỉ có đức tin mới được đẹp lòng Ngài mà thôi (xem Hê-bơ-rơ 11:6). Nhờ đức tin, người bại liệt nhận được sự tha thứ, và khi tội lỗi được xóa đi, thì lập tức phước lành của Chúa biến đổi đời sống con người này. Trong nhiều hoàn cảnh bó chân bó tay, quan trọng là chúng ta biết suy xét lại đời mình giống như người bại liệt này, và ngày chúng ta đến trước mặt Chúa ăn năn là ngày chúng ta được giải phóng.

Nhờ đức tin của một người

Nhưng không phải lúc nào cũng có thể tìm được sự kết hợp đức tin của nhiều người để đồng lòng làm công việc Chúa. Dù vậy, sự cứu giúp của quyền năng Đức Chúa Trời vẫn có thể xảy ra nhờ đức tin mạnh mẽ của một người thôi. Về phần mình, dù chỉ có một mình bạn tin, vẫn có thể giúp được cho người thân của mình được sự giải cứu kỳ diệu, như tấm gương Kinh thánh dưới đây.

Ma-thi-ơ đoạn 8  ({zefaniabible tooltip VIE}Matthew 8:5-13{/zefaniabible})
5 Khi Ðức Chúa Jêsus vào thành Ca-bê-na-um, có một thầy đội đến cùng Ngài, 6 mà xin rằng: Lạy Chúa, đứa đầy tớ tôi mắc bịnh bại, nằm liệt ở nhà tôi, đau đớn lắm. 7 Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Ta sẽ đến, chữa cho nó được lành.
8 Thầy đội thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng đáng rước Chúa vào nhà; xin Chúa chỉ phán một lời, thì đầy tớ tôi sẽ được lành. 9 Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa; tôi biểu tên nầy rằng: hãy đi! thì nó đi; biểu tên kia rằng: Hãy đến! thì nó đến; và dạy đầy tớ tôi rằng: Hãy làm việc nầy! thì nó làm.
10 Ðức Chúa Jêsus nghe lời đó rồi, lấy làm lạ, mà phán cùng những kẻ đi theo rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, ta chưa hề thấy ai trong dân Y-sơ-ra-ên có đức tin lớn dường ấy... 13 Ðức Chúa Jêsus bèn phán cùng thầy đội rằng: Hãy về, theo như điều ngươi tin thì sẽ được thành vậy. Và chính trong giờ ấy, đứa đầy tớ được lành.

Thầy đội đã đến với Chúa Jê-sus trình bày về nhu cầu của đầy tớ mình, giống như một người ở vai trò cầu thay. Người cầu thay thực sự đưa người thân của mình đến trước mặt Đức Chúa Trời và giúp họ nhận được sự giải cứu bởi sự động chạm tâm linh, thậm chí chưa cần sự tiếp xúc thuộc thể. Nhưng trường hợp này rất đáng chú ý để học hỏi vì Chúa Jê-sus đã có lời khen đặc biệt cho đức tin của người này.

Trong câu chuyện này có những nguyên tắc đức tin khác nữa đã được nhấn mạnh. Có thể nói đây là những yếu tố rất quan trọng, mà chúng ta cần ý thức được để có đức tin mạnh mẽ.

Thứ năm, đó là nguyên tắc của sự tuyên xưng. Đức tin mạnh mẽ bao giờ cũng đi đôi với lời tuyên xưng tích cực, xuất phát từ một tấm lòng đầy dẫy đức tin. Muốn có đức tin mạnh mẽ để có thể một mình giành chiến thắng trong trận chiến với ma quỉ, bạn phải có nhận thức về quyền phép của lời nói. “Xin Chúa chỉ phán một lời” - đây là lời cầu xin với cả sức mạnh của sự tin quyết. Ngày hôm nay, bạn và tôi chúng ta đều có lời Chúa đã phán - chép lại trong Kinh thánh.

Không cần kể lể dài dòng, không cần cầu nguyện lặp đi lặp lại. Người thật sự có đức tin kiểu này biết rằng chỉ cần nắm chắc và công bố Lời đã phán, Lời Chúa hứa để khai phóng quyền phép lạ thường cho hoàn cảnh và nhu cầu của mình. Hãy để ý mà học hỏi và sửa mình trong lĩnh vực này, nếu bạn muốn xây dựng cho mình một đức tin đắc thắng.

Thứ sáu, là nguyên tắc về quyền lực và sự vâng phục, mà thiếu nó thì không thể có được đức tin tự chủ mạnh mẽ. “Vì tôi ở dưới quyền người khác, tôi cũng có quân lính dưới quyền tôi nữa” - Người có quyền lực không cần nhiều sức mạnh thuộc thể, mà vẫn có thể làm được nhiều việc lớn lao. Nhưng quyền lực chỉ được ủy thác cho ai hiểu về trật tự quyền lực và có ý thức vâng phục. Khi tôi tuân phục dưới quyền người khác, thì tôi có người khác phục dưới quyền tôi. Khi tôi tuân phục danh của Chúa Jê-sus, tôi mới có thể nhờ được quyền phép tối cao trong danh của Ngài, và không có ma quỉ nào sẽ chống cự nổi. Khi tôi tuân phục trật tự Chúa đã sắp đặt trong thân thể Ngài, tôi mới có thể phát huy tối đa những ân tứ Chúa ban để trở nên thật sự hiệu quả trong công việc nhà Đức Chúa Trời.

Bạn hãy tự xét mình xem, có phải là người hiểu cách làm việc với quyền lực và có thái độ vâng phục không, hay là bạn vẫn thích tùy tiện làm theo ý riêng mình. Nhiều người, rất nhiều người thiếu hiểu biết về nguyên tắc quan trọng này, nên đức tin chưa vượt lên được.

Hãy nhớ, bởi đức tin bạn được tiếp cận quyền lực lớn lao của Đức Chúa Trời, và Ngài sẽ chỉ ủy thác quyền lực cho bạn tương xứng với mức độ nhận thức của bạn, vì quyền lực bao giờ cũng đi đôi với vâng phục và trách nhiệm.

Nhờ sự thương xót của Chúa

Con người không thể tránh được sự yếu đuối, và sẽ có những giai đoạn mà bạn chỉ có một mình, bó tay bó chân trong hoàn cảnh không có ai mạnh mẽ đức tin đến giúp đỡ bạn. Và thường những lúc khô hạn như vậy, áp lực cảm giác như nặng thêm gấp bao nhiều lần. Cảm ơn Chúa vì Kinh thánh cho chúng ta thấy ngay cả trong hoàn cảnh yếu đuối đức tin, chúng ta vẫn có thể trông cậy vào sự thương xót của Đức Chúa Trời

Đoạn Kinh thánh thú vị dưới đây kể về một người bại đã giữ được y nguyên lòng trông cậy mình, tỉnh thức sẵn sàng khi Chúa hành động.

Giăng đoạn 5 ({zefaniabible tooltip VIE}John 5:2-9{/zefaniabible})
2 Số là, tại thành Giê-ru-sa-lem, gần cửa Chiên, có một cái ao, tiếng Hê-bơ-rơ gọi là Bê-tết-đa, xung quanh ao có năm cái vòm cửa. 3 Những kẻ đau ốm, mù quáng, tàn tật, bại xuội nằm tại đó rất đông, chờ khi nước động; 4 vì một thiên sứ thỉnh thoảng giáng xuống trong ao, làm cho nước động; lúc nước đã động rồi, ai xuống ao trước hết, bất kỳ mắc bịnh gì, cũng được lành.
5 Nơi đó, có một người bị bịnh đã được ba mươi tám năm. 6 Ðức Chúa Jêsus thấy người nằm, biết rằng đau đã lâu ngày thì phán: Ngươi có muốn lành chăng?
7 Người bịnh thưa rằng: Lạy Chúa, tôi chẳng có ai để quăng tôi xuống ao trong khi nước động; lúc tôi đi đến, thì kẻ khác đã xuống ao trước tôi rồi.
8 Ðức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy đứng dậy, vác giường ngươi và đi. 9 Tức thì người ấy được lành, vác giường mình và đi. Vả, bấy giờ là ngày Sa-bát.

Nguyên tắc thứ bảy, đó là sự kiên trì bền bỉ của lòng trông cậy, quyết tâm trông đợi cho đến cùng. Đó là đức tin, dù thật sự chưa đủ mạnh, nhưng nhất định không xuôi tay bỏ cuộc. Người này mắc bệnh nằm đó đã ba mươi tám năm, chẳng ai nghĩ là sẽ có thể thay đổi được gì trong đời sống nữa. Duy nhất chỉ có người này không từ bỏ lòng trông cậy. Và Đức Chúa Trời thì thấy rõ lòng ông ta, trong cả đám đông đang đợi sự chữa lành, Ngài đến thăm viếng người luôn sẵn lòng mà không bỏ cuộc. Nếu bạn đang yếu đuối và không người giúp đỡ, vẫn hãy giữ lòng tin cậy cho đến cùng.

Bạn cũng hãy để ý, khi đến với ông ta Chúa đã hỏi - ngươi có muốn lành chăng? Vì sao vậy, chẳng lẽ Ngài không thấy người này cần và mong muốn sự chữa lành hay sao? Vì đức tin người đó cần được tuyên xưng thành lời, nhờ lời nói đức tin mà việc được thành. Cho nên, bạn cũng đừng lòng vòng, đừng e thẹn, đừng khiêm nhường giả tạo, mà hãy thẳng thắn trong lời cầu nguyện đức tin mình.

Còn nguyên tắc thứ tám này có thể không thấy hiển nhiên, nhưng lại vô cùng quan trọng. Tôi gọi đó là nguyên tắc của tấm lòng được rung động, hay là đức tin được truyền cảm hứng.

Cái ao Bê-tết-đa nổi tiếng vì những lần đã có phép lạ xảy ra, như là có thiên sứ thỉnh thoảng đến làm cho nước động, và khi nước động rồi thì ai kịp xuống ao trước tiên thì sẽ được chữa lành. Thực tế là hình ảnh một đức tin luôn sẵn sàng chờ đợi Chúa hành động. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta sẽ biết tìm nước động ở đâu? Có những nhà nghiên cứu Kinh thánh cho rằng nước trong ao là hình bóng ngầm chỉ về tấm lòng con người. Giống như ao có năm cửa, thì lòng người có năm giác quan. Nhưng thiên sứ không đến qua cửa ra vào, mà từ trên giáng xuống lúc ta không ngờ, và chỉ có người tỉnh thức mới bắt kịp.

Đức tin trong lòng chúng ta cũng vậy, nếu được rung động, nếu được truyền cảm hứng, sẽ nhận biết được sự thăm viếng và bắt kịp quyền phép Chúa hành động để giải cứu mình.

Vì thế cho nên các buổi nhóm, các cơ hội gặp gỡ chia sẻ đức tin, tôi đều coi đó là tiềm năng để Thánh Linh Chúa hành động, động chạm lòng người và biến đổi cuộc đời. Nhưng để Chúa hành động, thì cần sự hợp tác của chính bạn nữa. Bạn phải sẵn lòng, và bạn phải tỉnh thức với Chúa. Không có Thánh Linh, không có sự sống, không có đức tin, không có sự gây dựng, không có linh hồn nào được tươi mới, và cũng chẳng có biểu hiện quyền phép của Đức Chúa Trời...

Cho nên, dù trong đời sống quen dựa theo năm giác quan, nhưng hãy mở lòng cho cánh cửa thứ sáu - là cánh cửa kết nối với Thánh Linh thiên thượng. Những lời tầm phào, những chuyện đời, sẽ làm chai lì và trì trệ lòng rung động, chẳng khác gì những lời tham lam ô uế. Những lời phàn nàn, chê bai, đoán xét sẽ giết chết cảm hứng đức tin, cũng như những lời tục tĩu, giễu cợt. ({zefaniabible popover VIE}Ephesians 5:3-4{/zefaniabible})

Hãy nắm lấy những nhận thức và sự động chạm từ Đức Thánh Linh ngay trong lúc này, để nhận được sự động chạm của Đức Chúa Trời.

Cảm ơn Chúa vì tấm gương đức tin của những người bại liệt, tưởng như không tự làm được gì cho mình nữa, vậy mà đức tin đã giải phóng họ cho cuộc sống mới dư dật ơn phước Chúa. Có thể, ai đó sẽ lấy đức tin mình mà giúp đỡ chúng ta, có thể, chính bạn với tôi cũng sẽ hiệp nhau nỗ lực và sáng tạo để giúp được cho đức tin những người khác.

Và chúng ta hướng tới gây dựng chính đức tin mình càng thêm mạnh mẽ, với ý thức về quyền phép và thái độ vâng phục, để công bố và làm thành lời Chúa phán. Quan trọng nhất là trong mọi yếu đuối, chúng ta vẫn quyết tâm trông cậy bền vững đến cùng, giữ lòng mình mềm mại và rung động với những sự động chạm thăm viếng của quyền phép Đức Thánh Linh, vì biết chắc rằng mình sẽ có sự thương xót của Đức Chúa Trời.

A-men!

MS Quốc Hùng.

 Hội thánh Tin lành Moskva. CN 01.03.2015
Tinlanh.Ru - Những hạt giống đức tin.

Video bài giảng trên youtube:

http://www.youtube.com/watch?v=f81hL1XQSH8

Xin lưu ý: khi các bạn chia sẻ và sao chép, nhớ giữ nguyên tên tác giả và xuất xứ (bản quyền) bài viết, cảm ơn các bạn về sự thông công trong tình yêu của Đấng Christ!



© 1999-2017 Tinlanh.Ru