Sống chụp giật hay là sống đức tin?

Lot Abraham divide landVề thăm Việt nam, tôi được bạn bè nhắc lại về một điểm xấu trong cách sống của thời đương đại, đang làm biến chất cuộc sống con người, đảo lộn nhiều giá trị đạo đức và tinh thần của xã hội. Nó không phải là điều gì mới, nhưng lâu nay vẫn luôn là vấn đề nổi cộm chưa tìm được giải pháp. Nó được gọi là lối sống chụp giật.

Sống chụp giật có thể nói là sống chỉ biết chạy theo cái lợi tạm thời trước mắt. Thậm chí chà đạp lên những giá trị đạo đức và tâm linh, để đòi hỏi được điều mình muốn ngay bây giờ. Thực dụng đến mức tàn nhẫn.

Đập vào mắt là chuyện đường phố, đầy người đi xe ẩu bất chấp luật và những người đi đường khác, chen lách để cho nhanh cho tiện việc mình. Các vỉa hè đầy các cửa hàng và quán xá tiện đâu mở đó, nhưng chẳng đâu có thùng đựng rác. Không phải là nước công nghiệp phát triển, mà ô nhiễm đứng trong top 10 các nước thế giới.

Trong kinh doanh, các doanh nghiệp sẵn sàng lừa người tiêu dùng vì lợi nhuận. Các "ngôi sao" thì tạo xì-căng-đan để được nổi tiếng.

Vì một cái lợi mà những người thân trong gia đình tranh chấp đến mức thành kẻ thù, biến bầu không khí trong nhà thành địa ngục, làm cả gia đình đau khổ và mắc đủ thứ bệnh.

Nguy hiểm nhất là tội phạm ngày càng tăng lên, và độ tuổi những kẻ gây án ngày càng trẻ, sẵn sàng gây án thậm chí chỉ vì một lý do rất nhỏ.

Ở nước nào trên thế giới cũng có nếp sống chụp giật, nhưng khi nó không bị quản chế, thì sẽ trở thành căn bệnh tàn phá xã hội. Cũng vậy trong đời sống cá nhân, sống chụp giật buông thả sẽ đưa đến kết cục bi đát.

Muốn giải quyết được vấn nạn lớn này, phải biết cội rễ của cách nghĩ cách sống chụp giật là ở đâu.

Đó là cách nghĩ ích kỷ chỉ chạy theo những nhu cầu và đòi hỏi nhất thời, và cội rễ của nó là nếp nghĩ của xác thịt, thường đi ngược lại những giá trị tâm linh (Ga-la-ti 5:17). Xác thịt chỉ thấy lợi trước mắt, chỉ có tâm linh mới thấy và hiểu được những giá trị vô hình là nền tảng cho đạo đức xã hội loài người (lòng nhân từ, sự thương xót, sự công bình, chính trực, chân lý, điều răn và lời hứa của Chúa Trời...).

Kẻ không biết kính sợ Đức Chúa Trời sẽ bại hoại trong điều ác (Thi thiên 53:1). Ngược lại, người có đức tin mới biết làm điều lành, biết khiêm nhường phục vụ, biết giữ chữ tín... Chỉ có tình yêu thương mới biết hy sinh, và chỉ tâm linh mới hướng tới những điều thiêng liêng cao cả.

Xác thịt sống chỉ một thời gian, còn tâm linh thì sẽ còn mãi đời đời. Xác thịt không hiểu và cũng không được hưởng cõi đời đời. Vậy nên xác thịt bao giờ cũng đòi được ngay cho bản thân mình, không muốn đợi và cũng không biết chờ đợi, càng không biết thế nào là cầu nguyện và trông đợi Chúa. Vì vậy nó sẵn sàng chụp giật, đạp lên đầu người khác để đạt được mục đích mình.

Trong hoàn cảnh nhiều người Việt xa quê đang sống và làm việc ở nước Nga, nếp sống chụp giật bị buông thả thiếu quản lý. Nhiều người không lo nổi giấy tờ tùy thân (visa, quyền lao động), đành chịu thiếu những quyền tự do tối thiểu. Kinh doanh buôn bán thường xuyên nợ và chậm thanh toán, trong công việc thì cả người chủ và người làm công thường xuyên vi phạm hợp đồng lao động để chụp giật cái lợi cho mình. Trong cuộc sống riêng, người đã có vợ có chồng thì tìm cặp bồ để chụp giật sự thỏa mãn xác thịt tạm thời.

Điều đáng buồn là nếp sống này đã kịp ngấm sâu vào nhiều người tin Chúa, đến nỗi họ mang theo vào Hội thánh cách suy nghĩ và hành động tương tự.

Có những tín đồ ngoài đời quen nhảy việc, cũng sẵn lý do để bào chữa cho việc nhảy Hội thánh. Người khác thì ngấm ngầm sống trái Lời Chúa dạy, lảng tránh việc đi thờ phượng Chúa và hầu việc Chúa. Thông thường là vì họ muốn chụp giật cái lợi nào đó cho xác thịt.

Nghèo và thiếu không phải là lý do để bào chữa cho việc gian tham, khó khăn và áp lực cuộc sống không phải là lý do để bào chữa cho lối sống chụp giật. Bao giờ bạn cũng có quyền lựa chọn, sống chụp giật hay sống bởi đức tin. Có một câu Kinh thánh mô tả rõ sự tương phản giữa hai nếp nghĩ và lối sống:

Châm ngôn 12:12

Kẻ hung ác tham lam của hoạnh tài; Song rễ của người công bình sanh bông trái.

Hoạnh tài – theo từ điển tiếng Việt (Viện NNH, GS Hoàng Phê) có nghĩa là tiền của kiếm được một cách nhanh chóng, bằng cách không chính đáng, hoặc do gặp may. Nhưng trong Kinh thánh bản gốc tiếng Hê-bơ-rơ, từ này còn mang ý nghĩa của cái bẫy, cái lưới để đánh bắt. Cài bẫy, đánh lưới người để được lợi nhuận nhất thời nhanh chóng, đó là nếp nghĩ của kẻ ác. Chúng ta không nên bắt chước theo nếp nghĩ đó, vì chúng ta muốn sống được phước hạnh lâu dài bền vững, sống như một người công bình, sống là người tin Chúa.

Sống chụp giật được lợi ích trước mắt, tạm thời, nhưng sanh hậu quả xấu lâu dài. Sống chụp giật làm khổ người khác, và cuối cùng làm khổ chính mình trong kết cục bi đát. Nhưng muốn thoát khỏi nếp sống chụp giật, bạn phải có đức tin.

 

trees

Sống bởi đức tin

 

Ngược với cách sống chụp giật là nếp nghĩ gì? Là thái độ sống đâm rễ, và sanh bông trái. Vậy nơi mà người công bình đâm rễ là chỗ nào, đâu là nền tảng của đời sống họ? Câu trả lời thật dễ thấy - người công bình sống bởi đức tin mình (Nầy, lòng người kiêu ngạo, không có sự ngay thẳng trong nó; song người công bình thì sống bởi đức tin mình. - Ha-ba-cúc 2:4).

Sau này sứ đồ Phao-lô cũng trích dẫn lại đôi ba lần trong Tân Ước, để chúng ta thấy rõ hơn bây giờ chúng ta có những lợi thế gì của nếp sống bởi đức tin.

Rô-ma 1

16 Thật vậy, tôi không hổ thẹn về Tin Lành đâu, vì là quyền phép của Ðức Chúa Trời để cứu mọi kẻ tin, trước là người Giu-đa, sau là người Gờ-réc; 17 vì trong Tin Lành nầy có bày tỏ sự công bình của Ðức Chúa Trời, bởi đức tin mà được, lại dẫn đến đức tin nữa, như có chép rằng: Người công bình sẽ sống bởi đức tin.

Đức tin có nền tảng chân thật là chính Đức Chúa Trời. Người không kính sợ Đức Chúa Trời thì sẽ không dừng bước trước mọi mưu kế để chụp giật, nhưng họ sẽ không bền lâu được, vì của hoạnh tài ắt phải hao bớt (Châm ngôn 13:11), cũng như Chúa sẽ giáng sự nguyền rủa trên nhà những ai luôn mưu tính điều ác.

Châm ngôn 11:33 Sự rủa sả của Ðức Giê-hô-va giáng trên nhà kẻ ác. Song Ngài ban phước cho chỗ ở của người công bình.

Nhưng đoạn Kinh thánh trên còn nói đến ưu thế vô cùng quan trọng của lối sống đức tin. Tin lành là quyền phép thiên thượng để cứu giúp những ai có lòng tin cậy Đức Chúa Trời, đâm rễ trong Ngài và xây dựng cuộc sống mình theo Lời Chúa. Ưu thế của người công bình với lối sống đúng đắn đẹp lòng Đức Chúa Trời, là luôn có được quyền phép nâng đỡ từ Ngài. Và quyền phép đó càng gây dựng cho chúng ta đức tin lớn hơn nữa. Vì vậy mà người sống với đức tin cũng như cây trồng đâm rễ đúng nơi đất tốt, sẽ nhờ ơn phước Chúa mà ngày càng tăng trưởng và kết quả tốt đẹp về lâu dài.

Bạn thân mến, Lời Chúa chỉ dạy cho chúng ta cách sống biết nhìn xa, biết nhìn lên Chúa, và được phước hạnh cùng với sự cứu giúp từ Ngài. Đối với nhiều người chúng ta, đó là cách nghĩ mới, vì trước kia chúng ta quen sống không có Đức Chúa Trời, nên phải bắt chước thế gian để tự tìm cách tôn mình lên. Trước kia quen sống chưa có đức tin, bây giờ hãy tập tin cậy Đức Chúa Trời.

Đức tin trông lên Lời Chúa hứa, và yên nghỉ nơi sự thành tín của Đức Chúa Trời. Người có đức tin không chỉ nhìn vào những gì trước mắt, không theo đuổi những cái lợi nhất thời mà bỏ lỡ tương lai của mình.

Sống chụp giật, chạy theo những cái lợi nhất thời, thì sẽ lạc lối trong tương lai. Tin Chúa kiểu chụp giật cuối cùng cũng sẽ khổ. Đi Hội thánh hoặc thậm chí hầu việc Chúa theo kiểu chụp giật sẽ chẳng được phước thật, vì Đức Chúa Trời không đẹp lòng ban phước cho người nào không sống bằng đức tin (Hê-bơ-rơ 11:6).

Sống với đức tin, với hy vọng, với lòng hướng tới tương lai, thì mới có khát vọng và ước mơ, cộng với nỗ lực không ngừng và bền bỉ trong ngày hôm nay. Người công bình không há miệng chờ sung, mà siêng năng làm việc với đức tin đã được định hướng bởi Lời hứa của Đức Chúa Trời. Và một khi đã bám chắc Lời Chúa, thì nhất định sẽ có được quyền phép Chúa cứu giúp. Vì vậy nên người công bình không vì tham lam mà thỏa hiệp với điều ác, không vì lợi trước mắt mà bán rẻ tương lai.

Hãy cùng nhắc lại Ma-thi-ơ đoạn 5. Lời bài giảng trên núi của Chúa Jê-sus sẽ giúp chúng ta giữ vững được lòng mình khỏi cám dỗ của cách sống cách nghĩ chụp giật, mà giữ lòng mình cho được phước của lối sống có đức tin.

Ma-thi-ơ đoạn 5

3 Phước cho những kẻ có lòng khó khăn, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!

4 Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!

5 Phước cho những kẻ nhu mì, vì sẽ hưởng được đất!

6 Phước cho những kẻ đói khát sự công bình, vì sẽ được no đủ!

7 Phước cho những kẻ hay thương xót, vì sẽ được thương xót!

8 Phước cho những kẻ có lòng trong sạch, vì sẽ thấy Ðức Chúa Trời!

9 Phước cho những kẻ làm cho người hòa thuận, vì sẽ được gọi là con Ðức Chúa Trời!

10 Phước cho những kẻ chịu bắt bớ vì sự công bình, vì nước thiên đàng là của những kẻ ấy!

Có ai muốn đổi phước của Đức Chúa Trời lấy những điều khác không?


Sống bởi đức tin là sống ảnh hưởng mạnh mẽ. Nếu không, sẽ bị thoái hóa.

 

Liên quan đến sự tương phản giữa hai lối sống, trong Kinh thánh có ghi lại câu chuyện đầy sức mạnh cảnh tỉnh cho chúng ta. Đó là câu chuyện của Lót, cháu Áp-ra-ham.

Lot Fleeing Sodom BenjaminWest 1810

Lót đã từng được gọi là người công bình, đã hiệp cùng đức tin của Áp-ra-ham để rời khỏi quê hương đi theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời để đến miền đất hứa. Và có một thời Lót cũng đã được Đức Chúa Trời chúc phước không kém gì Áp-ra-ham.

Sáng thế ký 13

1 Áp-ram ở Ê-díp-tô dẫn vợ cùng các tài vật mình và Lót đồng trở lên Nam phương. 2 Vả, Áp-ram rất giàu có súc vật, vàng và bạc. 3 người vừa đi vừa đóng trại, từ Nam phương trở về Bê-tên và A-hi, 4 là nơi đã lập một bàn thờ lúc trước. Ở đó Áp-ram cầu khẩn danh Ðức Giê-hô-va.

5 Vả, Lót cùng đi với Áp-ram, cũng có chiên, bò, và trại. 6 Xứ đó không đủ chỗ cho hai người ở chung, vì tài vật rất nhiều cho đến đỗi không ở chung nhau được. 7 Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót.

Nhưng, đến lúc bắt đầu thành đạt, thì Lót bị lôi cuốn bởi cái lợi trước mắt, đến nỗi tranh chấp và ganh đua với chính chú của mình. Lối sống chụp giật trỗi dậy và thắng hơn trong ông, để đến nỗi ông quên hết nhờ ai mà ông đã được phước, đến nỗi đang tâm giành giật phần hơn với người chú và người thầy đức tin của mình.

8 Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa. 9 Toàn xứ há chẳng ở trước mặt ngươi sao? Vậy, hãy lìa khỏi ta; nếu ngươi lấy bên hữu, ta sẽ qua bên tả.

Phản ứng của Áp-ra-ham, người luôn kiên định trong đức tin, là một điều đáng kính nể và học tập. Ông tự tin rằng với Đức Chúa Trời ở cùng, thì đi đến đâu cũng sẽ dư dật trong phước của Ngài. Khi buộc phải chia tay, nhường cho cháu chọn trước, chọn phần hơn, ông đã đặt những giá trị tâm linh lên cao hơn những lợi ích nhất thời.

10 Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Ðức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng ó cũng như vườn của Ðức Giê-hô-va và như xứ Ê-díp-tô vậy. 11 Lót bèn chọn lấy cho mình hết cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh và đi qua phía Ðông. Vậy, hai người chia rẽ nhau.

12 Áp-ram ở trong xứ Ca-na-an, còn Lót ở trong thành của đồng bằng và dời trại mình đến Sô-đôm. 13 Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Ðức Giê-hô-va.

Gióp đã chọn sống chụp giật cùng với thế gian, đến đóng trại mình giữa những kẻ ác, chia lìa khỏi Áp-ra-ham là người đã quyết định sống theo sự kêu gọi của Đức Chúa Trời. Không lâu sau đó, những điều xấu và tai họa bắt đầu xảy đến với gia đình của Lót. Chúng ta đọc thấy trong chương 14, thành Sô-đôm của Lót bị giặc đánh chiếm và chính gia đình Lót bị bắt làm nô lệ, phải nhờ đến nỗ lực của Áp-ra-ham đánh giặc và giải cứu gia đình Lót ra được. Cũng trong chương tiếp theo này, chúng ta đọc thấy lời tuyên bố của Áp-ra-ham khẳng định ông tin rằng chỉ có Đức Chúa Trời là nguồn phước duy nhất.

Rồi đến kết cục trong chương 18, chúng ta đọc thấy sự phán xét của Đức Chúa Trời giáng xuống trên thành Sô-đôm vì tội ác đã thấu tới trời. May nhờ có sự cầu thay của Áp-ra-ham, Lót còn được ơn thương xót của Đức Chúa Trời, để không bị hủy diệt cùng với cả thành. Nhưng ông ta chỉ giữ được mạng sống mình, còn tất cả các thứ thì mất hết.

Trong chương 19 chúng ta đọc thấy các con rể ông đã mất mạng cùng dân trong xứ vì không tin sự giải cứu của Đức Chúa Trời. Điều này nói với tôi rằng đức tin đã yếu đuối và mai một của Lót bây giờ chẳng còn sức mạnh cảm hóa được ngay cả chính những người thân trong gia đình dưới quyền ảnh hưởng của mình.

lots-wife-pillar-mount-sodom-israelĐáng buồn hơn nữa, nếp sống chụp giật đời này đã kịp ngấm vào vợ của Lót, đến nỗi chính bà bị bỏ mạng vì chần chừ, không nhanh chân cùng cả gia đình trốn chạy, mà cứ ngoảnh lại đằng sau vì tiếc nuối. Để khi cơn thạnh nộ mưa diêm sinh và lửa từ trời giáng xuống trên xứ, thì bà bị biến thành tượng muối. Đã mấy nghìn năm trôi qua, nhưng ngày hôm nay các khách du lịch đi qua vùng Biển Chết vẫn được chỉ lên tượng muối đứng trên sườn núi cao, nghe lại câu chuyện của người vợ của Lót thuở nào.

Câu chuyện còn tiếp tục kể những chi tiết ghê người về hai người con gái của ông ta. Sống sót sau tai họa, hai cô này vì muốn sinh con nối dõi đã phục rượu cho Lót để ngủ với chính bố mình, nhưng dòng giống sinh ra đó không còn phải là dòng dõi người công bình nữa. Hai dân Am-môn và Mô-áp từ họ sinh ra sau này trở thành những dân tộc thù nghịch với dân Y-sơ-ra-ên, và bị Đức Chúa Trời phán xét, diệt đuổi họ khỏi xứ.

Ngày hôm nay chúng ta ai còn biết đến dòng dõi của Lót? Trong khi đó dòng dõi ra từ Áp-ra-ham (Y-sơ-ra-ên), và dòng dõi có đức tin của Áp-ra-ham (Hội thánh Chúa Jê-sus Christ) vẫn đang ngày càng cường thịnh, phát triển, và đang đứng vững trong phước hạnh của Đức Chúa Trời.

Hãy từ bỏ nếp nghĩ và nếp sống chụp giật. Hãy học được từ bài học của Lót.

Và hãy sống bởi đức tin như tấm gương của Áp-ra-ham!

Hãy tin cậy Chúa Jê-sus và sống theo Tin lành Ngài dạy, để được quyền phép thiên thượng cứu giúp và nâng đỡ biến đổi đời sống mình.

Nguyện Chúa luôn ban phước cho anh chị em.

 

Mục sư Quốc Hùng - Tinlanh.Ru



© 1999-2017 Tinlanh.Ru