Một ngày dài nhất

inside-tomb-picCâu chuyện kể về sự hy sinh và sự sống lại của Chúa Jê-sus diễn ra trong khoảng thời gian ba ngày, nhưng trong ba ngày đó có một ngày được nhắc đến vỏn vẹn chỉ bằng một câu ngắn ngủi, thậm chí trong cả bốn sách Phúc Âm chỉ có mỗi Lu-ca ghi lại.

Lu-ca 23:56 Ngày Sa-bát, họ nghỉ ngơi theo luật lệ.

Ngày thứ sáu và ngày Chủ nhật có nhiều sự kiện và đã được các tác giả Phúc Âm mô tả rất chi tiết. Vậy mà chúng ta hầu như không có thông tin nào về những gì diễn ra trong ngày này.

 

Đó là ngày chờ đợi căng thẳng.

Nhưng có lẽ đó là ngày dài nhất đối với các môn đồ (với những người tin Chúa), với cả dân cư thành phố Giê-ru-sa-lem, với cả thế giới thuộc linh. Cả thành phố và trong thế giới thuộc linh nín thở hồi hộp chờ đợi, điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó là ngày dài nhất với môn đồ Chúa.

Họ vừa được chứng kiến cảnh bất công, hung dữ, tàn ác của người ta cư xử với Chúa Jê-sus, cảnh Ngài chịu bao đau đớn, nhục nhã và trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá.

Họ bất bình mà không có ai bênh vực. Họ còn bị xua đuổi bắt bớ, ức hiếp.

Họ đau đớn mà không có ai an ủi. Họ không còn có Chúa để ở bên cạnh mình mà chia sẻ nữa.

Họ phải tiếp tục hầu việc Chúa trong cô đơn. Họ không còn Chúa ở cùng để chăm sóc và giải cứu.

Họ lo lắng cho tương lai. Vì họ đã thay đổi hẳn nếp sống mình để đi theo Chúa, vậy mà cảm tưởng như bây giờ mọi sự chấm dứt. Cảm tưởng như bây giờ Chúa không còn, ai sẽ che chở và giúp đỡ, ai sẽ dẫn dắt họ.

Họ gần như đã mất hết lòng tin. Bao nhiêu lần họ chứng kiến Chúa làm phép lạ, chữa lành, đuổi quỉ và khiến người chết sống lại, nhưng bây giờ Ngài lại phải chịu bị bắt và bị giết đi ngay trước mắt họ. Trong lòng họ có lẽ văng vẳng tiếng ma quỉ cười nhạo qua câu nói của tên cướp bị chết treo cạnh Ngài: “Nếu người là Con Đức Chúa Trời, sao không tự cứu lấy mình đi, và cứu cả chúng ta nữa?”

Tâm trạng các môn đồ nặng nề đến mức là sau khi Chúa sống lại có những người đàn bà gặp được Chúa đã chạy về báo, họ còn chưa chịu tin ngay.

Vì họ vẫn chưa hiểu đường lối của Đức Chúa Trời. Nhưng người tính không bằng Trời tính!

Vì đó chỉ là một ngày thứ bảy. Có ngày thứ sáu đen tối đầy thương khó, rồi có ngày chờ đợi đầy áp lực và buồn tủi, cô đơn, và dài lê thê, nhưng cuối cùng nó sẽ chấm dứt.

Và sau đó đã là ngày Sống lại (*) rồi!

Bạn ơi, nếu bạn còn đang chờ đợi, đang ở trong ngày thứ bảy, thì hãy vui lên, hãy tin cậy và sẵn sàng, vì sẽ có ngày Chủ nhật, ngày Sống lại phải đến.

Và cuối cùng Sự Sống Lại đã trả lời cho mọi câu hỏi, đã đền đáp cho mọi sự chờ đợi của con cái Chúa.

Sự sống lại trả lời cho người vô thần. Cho câu hỏi “Có Đức Chúa Trời không?” Câu trả lời là Có!

Sự sống lại trả lời cho nhân gian. Cho câu hỏi “Ai là Đức Chúa Trời?” - là chính Jê-sus Đấng đã sống lại!

Sự sống lại trả lời cho các đạo giáo thế gian. Cho câu hỏi “Đâu là con đường chân lý?” - Chúa Jê-sus

Sự sống lại trả lời cho chúng ta! “Tôi phải làm gì để được cứu?” - Ta phải vững lòng tin vào Chúa Jê-sus!

 

Sự chờ đợi là cần thiết

Nhưng sự chờ đợi của ngày thứ bảy là cần thiết, vì nó đã thay đổi hoàn toàn các môn đồ. Đã lọc ra những người chỉ theo Chúa cho vui cho có phong trào, đã biến đổi các môn đồ từ những người chỉ biết đi theo để tìm cầu phước hạnh vật chất, cuối cùng thành được những người tận trung đến chết vì Chúa.

Rõ ràng không phải là sự chờ đợi đã qua đi vô ích. Sự chờ đợi có lúc cần cho chúng ta. Không có sự chờ đợi trong căng thẳng, và đầy áp lực đó, liệu chúng ta có đức tin thật không?

Có thể dễ dàng nói là ta có đức tin khi vui, khi thắng lợi, nhưng trong sức ép, trong cố gắng lột xác con người mình, chúng ta có đức tin không? Trong khi chờ đợi, chúng ta có giữ lòng tin cậy Chúa để tiếp tục chuyển mình hướng tới ngày sống lại không?

Sự chờ đợi giúp chúng ta suy ngẫm.

Nếu chúng ta giữ được niềm tin mình, chúng ta sẽ có hướng suy nghĩ đúng. Và sự chờ đợi có thể giúp chúng ta thay đổi cách nghĩ trước đây của mình, để nhận ra được đường lối của Chúa. Và để đầu phục đường lối mình theo ý Ngài.

Các môn đồ đã nghĩ nhiều về cái chết của Chúa, để từ chỗ không hiểu nỗi vì sao một người vô tội tốt lành quyền phép dường ấy lại bị đau đớn và chết cay đắng như vậy, cuối cùng nhận thức ra đó chính là chương trình của Đức Chúa Trời để cứu chuộc nhân loại. Khi đó họ mới hiểu ra những lời Ngài nói trước đó rằng ấy là thân thể Ngài tan nát vì họ, máu Ngài đổ ra hy sinh vì họ.

Suy ngẫm để hiểu ra Mục đích Chính

Các môn đồ đã nghĩ nhiều về sự hy sinh của Chúa, để thay vì lằm bằm oán trách, họ đã hiểu ra được Chúa đã phải làm như vậy để cho họ điều quí nhất. Đó là sự chuộc tội, sự sống đời đời, đó là sự tái sinh, đó là Đức Thánh Linh đến ở trong lòng mỗi con cái Ngài.

Sự chờ đợi đã giúp cho các môn đồ lột xác từ một con người ích kỷ, trở thành một người tận trung tận hiến vì Chúa vì mọi người.

Chúng ta cũng đang sống trong ngày chờ đợi. Từ khi Chúa cất lên trời, và Ngài hứa sẽ quay trở lại để đón Hội thánh Ngài, đã gần hai ngàn năm trôi qua.

Trong lúc chờ đợi, chúng ta có nhận ra rằng thực sự mình được để ở lại thế gian với mục đích chính là gì không?

Chúng ta chờ Chúa, và Chúa chờ chúng ta ra đi rao giảng Tin lành và hầu việc Ngài. Chúa chờ người được nghe về Chúa và ăn năn tin nhận Ngài. Ngài không muốn cho ai bị hư mất, mà muốn tất cả đều ăn năn.

2 Phi 3:9 Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.

Về những mặt khác của đời sống chúng ta - cụ thể hơn, lấy thí dụ từ cuộc sống của cộng đồng Việt nam ở nước Nga trong giai đoạn khó khăn đặc biệt này. Có phải là chúng ta cũng đang chờ đợi? Chờ đợi sự thay đổi trong đời sống kinh tế và chính trị, có những giải pháp mới để mở đường cho cộng đồng được ở trong bình tịnh và yên ổn

Có thể bạn đang chờ đợi một giai đoạn mới, một sự mở mang mới cho cuộc sống và công việc mình. Nếu bạn đang khó khăn căng thẳng, như đang ở ngày thứ sáu, nếu bạn đang chờ đợi, đang đầy áp lực, hãy biết là sẽ có ngày Chủ nhật, ngày Sống lại.

Nếu bạn đã trải qua nhiều mất mát trong giai đoạn vừa qua, và bạn như còng lưng với gánh nặng nợ nần ngày hôm nay, thì hãy biết là sẽ có ngày Chủ nhật, ngày Sống lại.

Nếu bạn đang chờ đợi một sự thay đổi trong quan hệ với người thân, với gia đình, cũng hãy trông đợi ngày Chủ nhật, ngày Sống lại.

Nếu bạn đang mệt mỏi kiệt sức, đau ốm, hãy tin và cầu xin Chúa ngày Chủ nhật, vì ngày Cứu chuộc đã đến rồi!

SẼ CÓ NGÀY CHỦ NHẬT CHO TÔI VÀ CHO BẠN!

frontressurectionNgày Chủ nhật, là ngày sống lại, sống lại cho mọi điều tưởng như đã chết, đã mất. Chúa không bao giờ chậm trễ đâu.

Chúng ta có suy ngẫm gì lúc đợi ngày giải cứu đến?

Còn trong lúc chờ đợi, hãy suy ngẫm. Phước lành vật chất là rất cần, nhưng nếu nghĩ cho cùng, có phải là đó là điều cần thiết nhất chưa. Nếu nó đến không phải theo cách chúng ta nghĩ, chúng ta có sẵn sàng thay đổi để đón nhận không?

Sau khi Chúa sống lại, mọi sự diễn ra cách khác hẳn so với những quan niệm ban đầu của các môn đồ. Sau đó còn có sự tuôn đổ Đức Thánh Linh, còn có Hội thánh, còn có Đại mạng lệnh, còn có lời hứa về sự Chúa sẽ quay lại, và biết bao nhiêu lời hứa khác nữa cho cuộc đời mới của người tin Chúa.

Bạn có sẵn sàng chịu thay đổi cách nghĩ nếp sống của mình không? Bạn có sẵn sàng cho giai đoạn mới?

Có chịu thay đổi cách làm việc? Có thay đổi trong việc coi gì là quan trọng nhất đời mình? Có giũ bỏ được tính ích kỷ và kiêu ngạo? Có tin cậy và vâng phục? Có tha thứ và làm hòa?

Sự chờ đợi giúp chúng ta suy ngẫm những thất bại của mình, để không bỏ lỡ những cơ hội mới Chúa sẽ đưa đến.

Vì sự sống lại cho chúng ta một cơ hội mới, mà chúng ta sẽ không bước vào được giai đoạn mới nếu còn để quá khứ thất bại cầm giữ chân mình.

Sự thất bại xảy ra khi chúng ta không biết tin cậy Chúa, khi chúng ta bị áp lực và lầm lỡ trong cảm xúc và hành động của mình.

Thậm chí Phi-e-rơ đã ba lần chối Chúa, nhưng sau khi Ngài sống lại, ông là người đàn ông đầu tiên đã vào tận trong mộ. Để sau đó, đến ngày Ngũ tuần khi Đức Thánh Linh giáng xuống trên các môn đồ, ông đã dũng cảm dạn dĩ mà đứng ra giảng về sự sống lại của Chúa Jê-sus và cáo trách người nào cứng cỏi không ăn năn. Bạn cũng sẽ thành người khác hẳn, khi bỏ lại đằng sau những thất bại của mình, bám lấy Chúa vì một chặng đường mới sẽ đến thành công mới.

Sứ điệp sự sống lại còn đem đến cho tất cả mọi người một cơ hội mới. Cho cả người chưa biết Chúa Jê-sus bao giờ, và cho cả những người đã tin nhận Ngài lây nay, nhưng có sự sa lỡ. Chúng ta đều có thể ăn năn và tiếp nhận Chúa. Ăn năn nghĩa là thay đổi nếp nghĩ nếp sống của mình, tiếp nhận sự tha thứ và được làm lại. Chỉ trong Đấng sống lại, chúng ta mới có cơ hội mới. Tất cả mọi điều chúng ta trông đợi nơi Chúa, sẽ có sự đền đáp.

Sự căng thẳng chờ đợi sẽ chẳng còn được nhớ đến.

Và chính vì lý do này mà ngày chờ đợi chỉ được nhắc đúng một lần, một chỗ trong Kinh thánh.

Vì chúng ta sẽ gặp ngày Chủ nhật, sự sống lại, sự mở đường, sự giải cứu, sự chữa lành, sự hòa thuận gắn bó với người thân. Và đó chính là điều vui mừng lớn lao, xứng đáng mọi cực hình của sự chờ đợi.

Chúa Jê-sus đã nói:

“21 Người đờn bà, lúc sanh đẻ thì đau đớn, vì giờ mình đến rồi; song khi đứa con đã lọt lòng, người không còn nhớ sự khốn khổ mình nữa, mừng rằng mình đã sanh ra một người trong thế gian 22 Khác nào như các ngươi hiện ở trong cơn đau đớn, nhưng ta sẽ lại thấy các ngươi, thì lòng các ngươi vui mừng, và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng các ngươi được”. (Giăng 16:21,22)

Chúng ta sẽ vui mừng trong Chúa, và chẳng còn nhớ đến sự đau buồn khi chờ đợi nữa. Và chẳng ai cướp lấy sự vui mừng của chúng ta được!

CHÚC MỪNG BẠN, NGÀY CHÚA NHẬT, NGÀY CHÚA SỐNG LẠI!

Chúa Jê-sus còn hứa:

18 Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi. 19 Còn ít lâu, thế gian chẳng thấy ta nữa, nhưng các ngươi sẽ thấy ta; vì ta sống thì các ngươi cũng sẽ sống. (Giăng 14:18-19)

Hãy đến để tiếp nhận Chúa, để mời Đấng sống lại, Chúa của ngày Chủ nhật, ngày sống lại, đến với đời sống mình. Để Ngài ban cho bạn một cơ hội mới, một giai đoạn mới trong cuộc đời mình.

Nếu bạn đang chịu áp lực, đang bối rối, đến nỗi thời gian vừa qua bạn như đã rời xa Chúa và bỏ bê công việc Chúa và sự kêu gọi của Ngài, hãy vững lòng, hãy đứng dậy và vào vị trí của mình, hãy tin cậy Ngài để vượt qua vào một giai đoạn mới.

 

(*) - trong tiếng Nga, ngày Chúa nhật cũng nghĩa là ngày Sống lại!

 

Ghi lại từ bài giảng Lễ Phục sinh 4/4/2010

Ms Quốc Hùng - Hội thánh Tin lành Mátxcơva



© 1999-2017 Tinlanh.Ru