Bạn có vục mặt mình xuống nước không?

Article Index

 

Một yêu cầu bắt buộc phải có về tính cách

 

Cuộc kiểm định tập trung vào một yêu cầu đơn giản về tính cách: sự tỉnh thức (cảnh giác).

Hãy hình dung ra những con người uống nước với cách uống thông thường. Họ đặt cái khiên của mình bên trái, và cây giáo (hay là gươm) của mình bên phải, họ quỳ gối xuống và gục mặt mình xuống nước để uống. Trong tư thế như vậy, họ trở nên sơ hở hoàn toàn trước sự tấn công bất thình lình của kẻ thù. Họ không thể phát hiện nổi kẻ thù đến gần, cũng không có sẵn sàng vũ khí trong tay để chiến đấu. Trong khoảng thì giờ họ cần có để chỉnh đốn lại bản thân, kẻ thù đã có thể kịp đè bẹp họ.

Thế còn những người uống nước như chó thì sao? Khi con chó uống nó không gục mặt nó xuống nước, nó lè lưỡi ra và đưa nước lên miệng mình như tát nước xung quanh.

Vậy chúng ta hình dung cảnh những người uống nước như chó như thế nào? Họ chỉ quì một gối xuống. Vẫn đeo khiên trên tay, tay phải họ đặt gươm hay giáo mình xuống bên cạnh mình. Và sau đó với cânh tay rảnh rỗi, họ vốc nước lên miệng mình để uống.

Trong tư thế như vậy, họ vẫn cảnh giác (tỉnh thức), luôn theo dõi phòng bất kỳ sự tấn công bất ngờ nào. Kẻ thù không có cơ hội nào tấn công họ bất ngờ được.

Chỉ có 300 người của Ghê-đê-ôn qua được kiểm định lần thứ hai này. Họ phải đối đầu với 135.000 người Ma-đi-an. Họ bị trội hơn về số lượng gấp 450 lần!

Tôi có thể hình dung ra một số người trong số bị loại ra đã nói thầm trong lòng mình: “Oâi cảm tạ Chúa là mình được khỏi vụ này! Cái tay Ghê-đê-ôn này chắc là điên mất rồi. Có chuyện gì quan trọng trong cách người ta uống nước cơ chứ? Nào xem bây giờ điều gì sẽ đến với hắn và những kẻ khùng cùng ở lại với hắn.”

Kết cục cuối cùng thì tất nhiên là Ghê-đê-ôn đã cùng với 300 người của mình băng qua hàng ngũ Ma-đi-an và đẩy họ vào sự hoảng loạn hoàn toàn. Sau đó, những người Y-sơ-ra-ên khác đã đuổi theo sau chúng và  đánh bại hoàn toàn những người Ma-đi-an.

Điều đập vào mắt ở đây là con số tỉ lệ. Chỉ có 300 người với đủ yêu cầu để thi hành được sự mở màn cho cuộc đột phá. Nhưng một khi sự đột phá đã thành công, thì đã có hàng ngàn người Y-sơ-ra-ên nóng lòng đuổi theo đám quân Ma-đi-an đang chạy trốn.

Cả câu chuyện này là minh hoạ sáng chói cho sự khác biệt giữa đường lối của Đức Chúa Trời với đường lối chúng ta. Khi còn lại một mình, Ghê-đê-ôn chắc chắn đã thầm kết luận: “Dân sự đi cùng mình ít quá. Mình phải lấy thêm quân viện trợ.”

Nhưng quan điểm của Đức Chúa Trời thì hoàn toàn ngược lại, “Đạo binh đi theo ngươi lấy làm đông quá.” Cuối cùng, Ghê-đê-ôn còn lại với tỉ lệ 1 phần trăm số người ban đầu đi theo anh. Đối với Đức Chúa Trời, vấn đề không phải ở chỗ “Có bao nhiêu người?”, mà là “Loại người nào?”

 

Đánh giá bản thân.

 

Dưới ánh sáng của câu chuyện này, mỗi người chúng ta cần phải tự đánh giá bản thân. Nếu Đức Chúa Trời có tuyển lựa một đội quân ngày hôm nay như đạo binh của Ghê-đê-ôn, thì ta có thuộc trong số ít người đạt tiêu chuẩn không?

Hay là ta có lẽ sẽ giống như số 22.000 người đã theo con đường của sự sợ hãi? Hay là giống như số 10.000 người thứ nhì, đã buông vũ khí mình và vục mặt mình xuống nước để uống?

Rất dễ dàng – và nhiều khi điều đó thành bình thường – để mà chúng ta vục mặt mình vào công việc và cuộc sống hàng ngày; để bị cuốn hút bởi mọt nhu cầu thực tế đối diện với chúng ta hàng ngày; để mà quên đi rằng chúng ta đang ở trong trận chiến với những thế lực vô hình của bóng tối đang luôn luôn rình rập cơ hội để bắt được chúng ta lúc không chuẩn bị sẵn sàng.

Để gìn giữ được sự tỉnh thức không giảm bớt trong mỗi hoàn cảnh, điều đó đòi hỏi một kỷ luật, ý thức cá nhân. Nó còn đi xa hơn mọi quan niệm thông thường của chúng ta về lối sống và đạo đức cơ-đốc. Nhưng dù vậy, Tân Ước vẫn cảnh báo chúng ta rất rõ ràng: “Hãy tiết độ và tỉnh thức: kẻ thù nghịch anh em là ma quỉ, như sư tử rống, đi rình mò chung quanh anh em, tìm kiếm người nào nó có thể nuốt được.” (1 Phi-e-rơ 5:8). Nếu chúng ta bỏ qua lời cảnh báo đó, chúng ta sẽ sơ hở trước sự tấn công tinh vi không lường trước được của ma quỉ.

Hãy lấy, thí dụ, vấn đề các ngày nghỉ lễ (hoặc kỳ nghỉ phép). Ru-tơ và tôi khám phá ra rằng chúng tôi không thể tiếp tục công vụ của mình một cách có hiệu quả nếu không thỉnh thoảng dừng lại để lấy ngày nghỉ và trông đợi Chúa. (Những ngày nghỉ – holidays của chúng tôi thực sự có ý nghĩa là Ngày Nghỉ Thánh – Holy days).

Nhưng tôi khám phá ra được một điều, là Sa-tan không bao giờ có ngày nghỉ. Chính vào khi chúng ta cảm thấy nhu cầu lớn nhất bây giờ là được xả hơi, Sa-tan lại tung ra một áp lực hoàn toàn không dự đoán trước được để chống lại chúng ta và chúng ta có thể dễ bị bắt gặp trong tình trạng không có vũ khí sẵn sàng để xử dụng.

Điều đó có phải có nghĩa là chúng ta không bao giờ được nghỉ ngơi nữa không? Không! Nhưng nó có nghĩa là chúng ta không nên vục mặt mình vào các ngày nghỉ; chúng ta không bỏ rơi vũ khí của mình. Chúng tôi đã học được rằng chính những ngày nghỉ là thời gian mà chúng tôi phải thường xuyên tập trung sự tỉnh thức cao nhất.

Nhưng ngày nghỉ chỉ là một thí dụ để áp dụng trong nhiều lĩnh vực khác: trong các mối quan hệ gia đình, hoạt động công việc (kinh doanh), các dịp lễ hội đặc biệt, các cơ hội được đào tạo. Chúng ta có thể tham gia vào mọi lĩnh vực đó, nhưng chúng ta không được vục mặt mình vào bất cứ điều nào.

Hãy nhớ rằng, trong đạo binh của Ghê-đê-ôn ngày đó, chỉ có ít hơn 1 người trong số 100 là đạt tiêu chuẩn! Liệu tỉ lệ đó có khác hơn trong thời kỳ ngày nay không?

 

Tháng 11 năm 1996

Người hầu việc Chúa của các bạn

Derek Prince

 

(dịch từ những bức thư của Derek Prince - T.Q.H. Tinlanh.Ru)



© 1999-2017 Tinlanh.Ru