KIÊNG ĂN

Article Index

derek1KIÊNG ĂN ĐỂ TỰ HẠ MÌNH
Có một bí quyết để sống thành công được tìm thấy khắp cả Kinh thánh nhưng nay đã bị đánh mất, bị để qua một bên và đã dược đặc sai chỗ bởi Hội thánh Cơ đốc, đó là ‘sự kiêng ăn’.

Kiêng ăn, như tôi sẽ định nghĩa là ‘tình nguyện cử ăn nhằm những mục đích thuộc linh. Đôi khi người ta không chỉ kiêng ăn, nhưng cũng kiêng cả uống, tuy nhiên đây chỉ là trường hợp ngoại lệ chứ không phải là qui luật. Sự kiêng ăn mà thôi đã được minh họa bằng gương kiêng ăn của Chúa Jêsus trong đồng vắng trước khi Ngài bắt đầu chức vụ công khai.

Mathiơ 4:2 chép rằng : “ Ngài đã kiêng ăn” 40 ngày 40 đêm rồi, sau thì đói’. Rõ ràng Ngài đã không cử nước trong 40 ngày đêm đó, bởi vì bất cứ ai cử nuớc sẽ thấy khát trước khi thấy đói. Vì thế, sự kiện Kinh thánh không nói “Ngài khát”, nhưng chỉ nói: “Ngài đói”, tỏ ra rằng Chúa Jêsus đã kiêng ăn chớ không kiêng uống.

Sự kiêng ăn dường như không quen thuộc, và thậm chí dễ sợ nữa. Những thái độ nầy mới là lạ lùng. Suốt cả Kinh thánh, sự kiêng ăn đã được dân sự của Đức Chúa Trời thực hành cách điều đặn. Vả lại, sự kiêng ăn đã được hầu hết các tôn giáo chính khác trên thế giới chấp nhận như Ấn dộ giáo, Phật giáo và Hồi giáo.

Trước hết, mục đích của sự kiêng ăn là tự hạ mình xuống. Đây là phương tiện để được Đức Chúa Trời phê chuẩn trong Kinh thánh để cho chúng ta tự hạ mình xuống trước mặt Dức Chúa Trời. Suốt cả Kinh thánh, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân sự của Ngài hãy hạ mình xuống trước mặt Ngài. Có nhiều khúc Kinh thánh khác nhau đã nhấn mạnh điều nầy:

* Mathiơ 18 : 4 Chúa Jêsus phán : “ Vậy, hễ ai trở nên khiêm nhường như đứa trẻ nầy, sẽ là lớn hơn hết trong nước trời”.

* Mathiơ 23 : 12 “ Kẻ nào tôn mình lên thì sẽ bị hạ xuống, còn kẻ nào hạ mình xuống thì sẽ được tôn lên”.

* Giacơ 4 : 10 : “ Hãy hạ mình xuống trước mặt Chúa, thì Ngài sẽ nhắc anh em lên”.

* 1 Phierơ 5 : 6 “ Vậy, hãy hạ mình xuống dưới tay quyền phép của Đức Chúa Trời, hầu cho đến kỳ thuận hiệp Ngài sẽ nhắc anh em lên”.

Một khía cạnh khác quan trọng của tất cả những câu Kinh thánh trên đây là trách nhiệm hạ mình xuống đã được đặt để trên chính chúng ta. Chúng ta không giao hoán trách nhiệm đó cho Đức Chúa Trời. Nếu cầu nguyện : “ Lạy Đức Chúa Trời, xin khiến con khiêm nhường” thì không phù hợp với Kinh thánh bởi vì câu trả lời của Đức Chúa Trời luôn luôn là “ Con hãy hạ mình xuống”.

Trong Kinh thánh, Đức Chúa Trời đã bày tỏ cho chúng ta một cách thực hành cụ thể để chúng ta tự hạ mình xuống. Trong Thi thiên 35 : 13, Đavít nói : “ Tôi kiêng ăn ép linh hồn tôi....”. Như thế, kiêng ăn là cách Đavít đã dùng để hạ linh hồn ông xuống, hay để ông hạ mình.

Ta hãy xem xét một số các thí dụ lịch sử là nơi dân cư của Đức Chúa Trời hạ mình xuống bằng cách nào. Trước hết trong Êxơra 8 : 21 -23, về cách thể nào Êxơra đang chuẩn bị dẫn dắt một nhóm người Do Thái bị lưu đày tại Babylôn trở về thành Giêrusalem. Họ đang có trước mắt một cuộc hành trình dài, nguy hiểm gian khổ, trải qua những vùng đất bị quấy phá tràn ngập bởi những bọn cướp và bị chiếm đóng bởi những kẻ thù. Họ mang theo mình vợ con của họ và những khí mạnh quý giá của đền thờ. Họ đang tha thiết cần đến sự bảo vệ an toàn. Êxơra có hai sự chọn lựa : ông có thể kêu gọi hoàng đế Ba tư viện trợ một đạo quân và kỵ binh. Hoặc là ông hoàn toàn tin cậy Đức Chúa Trời. Ông đã chọn lựa việc tin cậy Chúa, và đây là điều ông nói:

“ Tại đó, gần bên sông A - ha - va, ta truyền cử ăn để chúng ta hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời chúng ta và cầu xin Ngài chỉ cho biết đường chánh đáng chúng ta, con cái chúng ta và tài sản mình phải đi. Vả lại, ta lấy làm thẹn, chẳng dám xin vua một đạo quân và lính kỵ bênh vực chúng ta khỏi kẻ thù nghịch trong lúc đi đường. Vì chúng ta có nói với vua rằng : Tay của Đức Chúa Trời chúng tôi phù trợ mọi kẻ nào tìm kiếm Ngài, nhưng quyền năng và thạnh nộ Ngài kháng cự những kẻ nào lìa bỏ Ngài. Ấy vậy, chúng ta kiêng cử ăn và cầu xin Ngài điều ấy, Ngài bèn nhậm lời chúng ta”.

Êxơra đã có hai sự lựa chọn, một thuộc xác thịt và một là thuộc linh. Ông có thể nhờ vào xác thịt mà xin vua cấp một đạo binh và lính kỵ. Đó không phải là một tội lỗi, nhưng đó là một bình diện thấp hơn của đức tin. Nhưng ông đã chọn sự thuộc linh. Ông đã chọn việc nhìn lên Đức Chúa Trời bằng cách cầu khẩn sự giúp đỡ siêu nhiên. Và sự bảo vệ của Ngài. Êxơra và những người Ysơraên đi là điều họ đã hiểu rõ rồi. Họ đã kiêng ăn và hạ linh hồn họ xuống trước mặt Đức Chúa Trời. Họ đã nài xin Đức Chúa Trời và Ngài đã nghe họ, ban cho họ cuộc hành trình bình an mà họ đã cầu xin.

2 Sử ký 20 : 2 -4 có chép một biến cố lịch sử mà nước Giu đa khi Giôsaphát làm vua : “ Bây giờ có người đến thuận cho Giôsaphát mà rằng : có một đám quân rất đông từ bên kia của biển, từ nước Syri mà đến hãm đánh vua. Kìa, chúng đang ở tại Hát-rát-son-tha-ma, cũng gọi là Ên-ghê-đi. Giôsaphát sợ hãi, rắp lòng tìm cầu Đức Giêhôva và rao khắp xứ Giuđa phải kiêng ăn một ngày. Giuđa nhóm lại đặng cầu Đức Giêhôva cứu giúp, người ta ở các thành Giuđa đều đến đặng tìm cầu Đức Giêhôva.

Giôsaphát đã cầu nguyện, khẩn xin Đức Chúa Trời cứu giúp. Trong câu cuối cùng của lời cầu nguyện rất có ý nghĩa, Giôsaphát kết thúc bài cầu nguyện của mình bằng cách nói rằng: “ Hỡi Đức Chúa Trời chúng tôi ơi, chớ thì Ngài sẽ không xét đoán chúng nó sao? Vì nơi chúng tôi chẳng còn sức lực gì đối địch cùng đám quân đông đảo này đương đến đánh hãm chúng tôi, và chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm, nhưng con mắt chúng tôi ngữa trông Chúa”.

Đây là những câu chìa khóa “...... chúng tôi chẳng còn sức lực gì ............. chúng tôi cũng không biết điều gì mình phải làm ...........” Vì thế họ đã quay hướng về Chúa để xin sự giúp đỡ siêu nhiên, và họ biết cách để quay hướng về Ngài, đó là bằng sự kiêng ăn. Họ đã bỏ sự thiên nhiên để nài xin sự siêu nhiên. Về một thí dụ rõ ràng khác của việc thực hành sự kiêng ăn trong Cựu ước, chúng ta hãy trở lại với các lễ nghi cho ngày đại lễ chuộc tội mà người Do Thái gọi là YOM KIPPUR.

Lêvi ký 16 : 29 -31 : “ Điều nầy sẽ là một lệ định đời đời cho các ngươi. Đến mồng 10 tháng 07. các ngươi phải ép linh hồn mình, không nên làm một việc nào, bất kỳ người bổn xứ hay là kẻ khách kiều ngụ giữa các ngươi, vì trong ngày đó người ta sẽ làm lễ Chuộc Tội cho các ngươi, để các ngươi được tinh sạch chắc các ngươi sẽ được sạch những tội lỗi mình trước mặt Đức Giêhôva vậy. Ấy sẽ là một lễ sabát, một ngày nghỉ cho các ngươi, phải ép linh hồn mình, đó là một lệ định đời đời vậy”. ( Trong một bản dịch khác, chữ ép linh hồn mình được dịch là “người phải kiêng ăn”)

Theo phương diện lịch sử, chúng ta biết rằng cả 3.500 năm, dân tộc Do Thái luôn giữ lễ YOM KIPPUR, đại lễ chuộc tội như là một ngày kiêng ăn. Chúng ta cũng có quyền của Tân ước cho việc nầy. Sách Công vụ 27 : 9, một đoạn sách mô tả cuộc hải hành của Phaolô đi Lamã : “ Trải lâu ngày, tàu phải chạy nguy hiểm ( vì kỳ kiêng ăn đã qua rồi)”. Chữ “ Kiêng ăn” ở đây là ngày đại lễ chuộc tội, luôn luôn nhằm vào cuối tháng chín hoặc đầu tháng 10, ngay khi bắt đầu mùa đông. Chúng ta thấy từ Tân ước, ngày Đại lễ Chuộc Tội luôn luôn được kỷ niệm như là ngày kiêng ăn. Đức Chúa Trời đòi hỏi dân sự của Ngài phải hạ linh hồn họ xuống trước mặt Ngài bằng một ngày kiêng ăn tập thể. Đó là sự quy định ngày Đại Lễ Chuộc Tội ngày thiêng liêng nhất của người Do Thái.

Ta hãy lưu ý 2 sự kiện : Trước hết, trong trường hợp nầy, kiêng ăn là sự hưởng ứng đối với sự tha thứ và tẩy sạch của Đức Chúa Trời . Đức Chúa Trời đã sắp đặt một kỳ lễ mà qua đó Thầy tế lễ Thượng phẩm phải đi vào nơi chí thánh của Đền thờ để làm lễ đền tội. Thứ hai, sự đền tội chỉ có hiệu quả cho những người tiếp nhận nó qua sự kiêng ăn. Nói cách khác, Đức Chúa Trời thực hiện phần việc của Ngài, nhưng loài người phải làm phần việc của họ. Điều nầy là thật trong nhiều việc phải giải quyết với Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời làm phần việc của Ngài, nhưng Ngài mong muốn một sự đáp ứng từ phía chúng ta, và nhiều lần sự đáp ứng mà Đức Chúa Trời mong muốn từ phía chúng ta là sự kiêng ăn. Đức Chúa Trời đòi hỏi điều nầy cách tuyệt đối ở tất cả dân sự của Ngài thời Cựu ước. Bất cứ ai không kiêng ăn trong ngày Đại lễ Chuộc Tội đều phải bị cắt đứt và không còn được làm thành viên của dân sự Đức Chúa Trời.

Kế đến, chúng tôi muốn đề cập việc thực hành sự kiêng ăn trong đời sống Chúa Jêsus và Hội thánh Tân ước.


CHÚA JÊSUS KIÊNG ĂN
Chúng ta đã thấy chìa khóa của sự kiêng ăn đã bị đánh mất, một chìa khóa vốn được tìm thấy suốt qua những trang Kinh thánh. Thế nhưng nó đã bị bỏ qua một bên và đã được đặt sai chỗ bởi Hội thánh Cơ đốc. Kiêng ăn là tình nguyện cử ăn nhằm các mục đích thuộc linh.

Mục đích chủ yếu của sự kiêng ăn như Kinh thánh đã bày tỏ là sự hạ mình. Kiêng ăn là phương cách Kinh thánh dạy để chúng ta hạ mình. Suốt cả Kinh thánh, Đức Chúa Trời đòi hỏi dân sự của Ngài phải hạ mình xuống trước mặt Ngài. Đức Chúa Trời bày tỏ rằng một cách thực tế, đơn giản để chúng ta hạ mình là qua sự kiêng ăn.

Chúng ta thấy một số thí dụ từ Cựu ước. Thí dụ của Đavít trong các Thi Thiên, Êxơra và dân lưu đày từ Babylôn trở về, Giôsaphát và toàn dân Giuđa, và ngày đại lễ Chuộc Tội, khi mọi người Do Thái đều phải thực hành sự kiêng ăn. Tôi tin rằng bản chất chính yếu của sự kiêng ăn là từ bỏ sự tự nhiên với chúng ta là ăn. Khi chúng ta bỏ ăn, chúng ta hết lòng lìa bỏ sự tự nhiên bằng cách quay về với Đức Chúa Trời và hướng về sự siêu nhiên. Điều nầy có một ý nghĩa sâu xa.

Kiêng ăn là một phần trong đời sống và chức vụ của Chúa Jêsus và của Hội thánh Tân ước. Trước hết, chính Chúa Jêsus thực hành sự kiêng ăn : “ Đức Chúa Jêsus đầy dẫy Đức Thánh Linh, ở bờ sông Giôđanh về thì được Đức Thánh Linh đưa đến trong đồng vắng tại đó Ngài bị ma quỷ cám dỗ trong bốn mươi ngày. Trong những ngày ấy Ngài không ăn chi hết, kỳ đã mãn thì Ngài đói” ( Luca 4 : 1-2).

Những chữ trên đây có lẽ ngụ ý Ngài có uống nước, nhưng Ngài kiêng ăn. Trước khi Chúa Jêsus bước vào chức vụ công khai của Ngài, có hai kinh nghiệm quan trọng mà Ngài phải vượt qua. Trước hết là Đức Thánh linh giáng xuống, ngự trên Ngài, và Ngài được ban cho quyền phép siêu nhiên của Đức Thánh Linh cho chức vụ Ngài, nhưng Ngài vẫn không lập tức ra đi và bắt đầu chức vụ. Kinh nghiệm thứ hai là 40 ngày kiêng ăn nầy trong đồng vắng Ngài cử ăn, và tôi tin rằng Ngài tập chú vào việc thuộc linh. Rõ ràng lúc đó Ngài có một cuộc tranh chiến trực tiếp, mặt đối mặt với Satan. Qua sự kiêng ăn, Ngài vượt lên trên sự đắc thắng cuộc tranh chấp đầu tiên với Satan. Điều nầy dường như ngụ ý rằng sự kiêng ăn là tối cần trong đời sống chúng ta nếu chúng ta muốn đắc thắng Satan. Nếu Chúa Jêsus đã phải thực hành sự kiêng ăn để đắc thắng, tôi thấy không làm thế nào để mỗi chúng ta có thể đạt được sự đắc thắng mà không theo cùng sự thực hành đó như Ngài.

Hãy lưu ý kết quả của sự kiêng ăn trong đời sống cúa Chúa Jêsus : “ Đức Chúa Jêsus được quyền phép Đức Thánh Linh, trở về xứ Galilê và danh tiếng Ngaì đồn khắp xứ chung quanh” ( Luca 4 : 41). Một sự khác nhau có ý nghĩa trong hai giai đoạn đã được nói đến . Khi Chúa Jêsus vào đồng vắng, Kinh thánh nói rằng : “ Ngài đầy dẫy Đức Thánh Linh, nhưng khi Ngài từ đồng vắng trở về sau 40 ngày kiêng ăn thì Kinh thánh nói : “ Ngài được quyền phép Đức Thánh Linh”. Nói cách khác đầy dẫy Đức Thánh Linh là một việc, và được quyền phép Đức Thánh Linh là một việc khác. Đức Thánh Linh đã ở đó từ lúc Ngài, chịu phép Báptêm trở đi, nhưng chính sự kiêng ăn của Ngài đã giải phóng quyền năng của Đức Thánh Linh tuôn chảy, không gì ngăn cản được qua đời sống và chức vụ của ngài. Lần nữa, tôi tin rằng đây là một khuôn mẫu cho chúng ta. Chính Chúa Jêsus đã phán sau nầy, trong Giăng 14 : 12 “ Quả thật ta nói cùng các ngươi, kẻ nào tin ta cũng sẽ làm việc ta làm, lại cũng làm việc lớn hơn nữa, vì Ta đi về cùng Cha”.

Tôi muốn chỉ ra rằng những công việc Chúa Jêsus là bắt đầu với sự kiêng ăn. Nếu chúng ta muốn đi theo trong những công việc khác Ngài đã làm, đối với tôi dường như điều hợp lý là chúng ta phải bắt đầu ở chỗ Chúa Jêsus đã bắt đầu, với sự kiêng ăn. Chúa Jêsus cũng đã dạy các môn đồ Ngài khi kiêng ăn : “ Song khi người kiêng ăn, hãy xức dầu trên đầu và rửa mặc, hầu cho người ta không thấy ngươi kiêng ăn nhưng chỉ Cha ngươi là Đấng ở nơi kín nhiệm xem thấy mà thôi, và Cha ngươi là Đấng thấy trong chỗ kín nhiệm sẽ thưởng cho ngươi” ( Mathiơ 6 : 17-18).

Chúa Jêsus đã hứa ban phần thưởng cho những người thực hành sự kiêng ăn một cách đúng đắn và có nhưng động cơ đúng đắn. Hãy để ý một chữ nhỏ rất quan trọng, Chúa phán : “ Khi ngươi kiêng ăn”. Ngài không nói : “ Nếu ngươi kiêng ăn”. Giả sử Ngài đã dùng chữ “ NẾU”, thì có thể là họ không kiêng ăn, nhưng khi Ngài phán “ Khi ngươi kiêng ăn, thì rõ ràng Ngài ngụ ý rằng họ có kiêng ăn.

Chủ đề của Mathiơ đoạn 6 là ba nhiệm vụ chính của người Cơ đốc : bố thí cho người nghèo, cầu nguyện và kiêng ăn. Nối liền với cả ba điều, Chúa Jêsus dùng chữ “ Khi”, chứ Ngài không dùng chữ “ Nếu” Trong câu 2 Ngài phán : “ Vậy, khi ngươi bố thí....” Trong câu 5 Ngài phán : “ Khi các ngươi cầu nguyện ..........” Và trong câu 17 Ngài phán : “ Khi các ngươi kiêng ăn” Ngài không bao giờ để thả nổi cho việc họ chọn lựa có hay không có làm việc nầy. Ngài đăït việc bố thí, cầu nguyện và kiêng ăn lên cùng trình độ chính xác như nhau. Hầu hết các Cơ đốc nhân đều chấp nhận và không chút thắc mắc rằng nghĩa vụ chúng ta phải là bố thí và cầu nguyện, nhưng trên cơ sở đó, sự kiêng ăn cũng là một nghĩa vụ bắt buộc vậy.

Không chỉ Chúa Jêsus thực hành sự kiêng ăn, mà Hội thánh Tân ước cũng thực hành nữa. “ Trong Hội thánh tại thành An- ti ốt, có mấy người tiên tri và mấy giáo sư, tức là Banaba, Simêôn gọi là Ni-giê, Luc- si - út người Sy -ren, Manahem là người đồng dưỡng với vua chư hầu Hê- rốt cùng Saulơ. Đương khi môn đồ thờ phượng Chúa và kiêng ăn, thì Đức Thánh Linh phán rằng : Hãy để riêng Banaba và Saulơ đặng làm công việc ta đã gọi làm. Đã kiêng ăn và cầu nguyện xong, môn đồ bèn đặt tay trên hai người rồi để cho đi. Vậy, Saulơ và Banaba đã chịu Đức Thánh linh sai đi, rồi từ đó đi thuyền đến đảo Chíprơ.

Các nhà lãnh đạo Hội thánh đã hầu việc Chúa và cùng nhau kiêng ăn. Trong quá trình kiêng ăn, họ nhận được một sự khải thị từ Đức Thánh kinh, rằng hai người trong số họ phải được sai đi cho một chức vụ sứ đồ đặc biệt. Nhận được sự khải thị nầy, họ không sai hai người ra đi ngay lập tức, nhưng bỏ lại “ Kiêng ăn, cầu nguyện và đặt tay......”. Rồi họ lại nói hai người trên đã được sai đi bởi Đức Thánh linh. lần nữa chúng ta thấy sự kiêng ăn chuyển chúng ta từ tự nhiên sang siêu nhiên. Khi các nhà lãnh đạo Hội thánh đã đi vào lãnh vực siêu nhiên và uy quyền siêu nhiên, và chính Đức Thánh linh đã nhận trách nhiệm về những gì họ đã làm. Con đường dẫn đến việc nầy đã mở ra qua sự kiêng ăn tập thể.

Sau khi Phaolô và Banaba đã ra đi thi hành chức vụ nầy, chúng ta đọc thấy họ đã làm gì khi họ thiết lập những Hội thánh trong các thành phố khác nhau. “ Khi hai sứ đồ khiến lựa chọn những Trưởng Lão trong mỗi Hội thánh, cầu nguyện và kiêng ăn xong, thì dâng các người đó cho Chúa là Đấng mình đã tin đến” ( Công Vụ 14 : 23).

Kiêng ăn không phải chỉ là trường hợp đơn độc, bất thường. Nó đã được các sứ đồ thực hành đều đặn và họ đã dạy các tân tín hữu họ làm như vậy. Hai biến cố chính trong việc truyền bá Tin Lành thời Hội thánh đầu tiên, trước hết là việc sai phái các sứ đồ và thứ hai là việc thành lập Hội thánh mới qua việc lựa chọn những Trưởng lão. Điều có ý nghĩa to lớn là Hội thánh đầu tiên đã không làm hai việc nầy mà trước hết không kiêng ăn, tìm kiếm sự hướng dẫn siêu nhiên cùng sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời. Trong một ý nghĩa nào đó, chúng ta có thể nói rằng sự phát triển và bành trướng của Hội thánh đầu tiên xoay quanh sự kiêng ăn tập thể.

Cuối cùng, chúng tôi muốn đọc lời làm chứng của Phaolô về cuộc đời và chức vụ của ông. Chúng ta nhớ Phaolô là một trong hai người có liên hệ trong việc Hội thánh kiêng ăn nói trên, ông nói trong 2 Côrinhtô 6 : 4 -6: “ Nhưng khi chúng tôi làm cho mình đáng thương trong mọi sự, như kẻ hầu việc Đức Chúa Trời, bởi lòng nhịn nhục lắm, trong những sự hoạn nạn, thiếu thốn, khốn khổ, đòn vọt, lao tù, rối loạn, khó nhọc, tỉnh thức, kiêng ăn, bởi sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhân từ, bởi Đức thánh linh, bởi lòng yêu thương thật tình....” Ở đây Phaolô đã mô tả những khía cạnh khác nhau về đặc điểm và cung cách của ông, đánh dấu ông và các bạn đồng lao của ông như những tôi tớ thật của Đức Chúa Trời trong số những điều đó là tỉnh thức ( nghĩa là tỉnh thức trong bạn có thể ngủ) và kiêng ăn ( cử ăn trong khi bạn có thể ăn). Tỉnh thức và kiêng ăn là hai bạn đồng hành rất tốt, chúng được đặt để bên cạnh với sự thanh sạch, thông biết, khoan nhẫn, nhân từ, Đức Thánh linh và lòng thương yêu thật. Nói cách khác, những điều đó đã được trình bày như là phần tử của toàn bộ sự trang bị của người đầy tớ thật của Chúa Jêsus Christ. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời vẫn còn nhìn thấy họ theo cách đó ngày nay. Sự cung ứng của Đức Chúa Trời và những tiêu chuẩn của Ngài vẫn còn y nguyên như là thời Phaolô và Hội thánh đầu tiên vậy.


SỰ KIÊNG ĂN ĐỔI THAY CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO

Cho đến nay, như chúng ta đã thấy, sự kiêng ăn là tự nguyện cử ăn nhằm những mục đích thuộc linh, kiêng ăn là một cách mà chính Dức Chúa Trời đã chỉ định cho dân sự của Ngài hãy hạ mình xuống trước mắt Ngài. Chính Chúa Jêsus đã thực hành sự kiêng ăn Ngài đã dạy các môn đồ làm y như vậy, và Hội thánh Tân ước đã noi gương Thầy mình. Khi Chúa Jêsus nói về sự kiêng ăn, Ngài không nói:’Nếu ngươi cầu nguyện ‘, nhưng Ngài nói:’Khi ngươi cầu nguyện’. Như thế Ngài đặt sự kiêng ăn lên cùng một bình diện với sự bố thí cho kẻ nghèo và sự cầu nguyện.

Bây giờ chúng ta hãy xem sự kiêng ăn thay đổi nhân cách nội tâm chúng ta như thể nào. Điều trước tiên chúng ta một sự rõ ràng tuyệt đối từ Kinh thành là: quyền năng khiến một người sống được đời sống Cơ đốc là chính Đức Thánh Linh. Không có quyền năng nào khác có thể giúp chúng ta sống được loại sự sống mà Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta như là những Cơ đốc nhân. Điều nầy không thể thực hiện được trong ý muốn riêng hay trong sức mạnh riêng của chúng ta. Điều nầy chỉ có thể thực hiện trong việc nhờ cậy nơi Đức Thánh Linh. Vì vậy, chìa khóa đi đến đời sống Cơ đốc nhân thành công là biết được cách làm thế nào để phóng thích quyền năng của Đức Thánh Linh trong đời sống chúng ta, ngõ hầu chúng ta có thể làm được những việc mà chúng ta không thể làm được bằng sức riêng của mình. Chúa Jêsus đã nói rõ điều nầy với các môn đồ của Ngài sau khi phục sinh, trước khi Ngài sai phái họ ra đi vào trong chức vụ của họ. Trong Công vụ 1:8, Ngài phán: ‘Nhưng khi Đức Thánh Linh giáng ttrên các ngươi, thì các ngươi sẽ nhận quyền phép và làm chứng nhân cho ta tại thành Giêrusalem, cả xứ Giuđê, xứ Samari, cho đến cùng trái đất’. Ngài có ý nói:’ Để có thể làm được những gì ta giao phó cho các con làm, các con cần quyền năng lớn hơn khả năng của các con, quyền năng đó sẽ đến từ Đức Thánh Linh, đừng vội ra đi phục vụ cho đến khi quyền phép của Đức Thánh Linh giáng trên các con’.

So sánh những điều nầy với những lời nói của Phao Lô trong Êphêsô 3:20 là chỗ ông chủ yếu nói đến quyền năng trong sự cầu nguyện:’ Vả, Đức Chúa Trời, bởi quyền lực cảm động trong chúng ta, có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hay suy tưởng...’. Phao lô nói rằng những gì Đức Chúa Trời có thể làm thì cao vượt hơn tất cả những gì chúng ta có thể suy nghĩ hoặc suy tưởng, nhưng nó tùy thuộc vào quyền phép của Ngài hành động trong chúng ta. Tầm mức những gì Đức Chúa Trời có thể làm qua chúng ta, chúng ta không dựa trên những sự suy nghĩ hay tưởng tượng của chúng ta, nhưng dựa trên quyền năng siêu nhiên của Ngài đang được phóng thích trong chúng ta và qua chúng ta. Dù đó là trong sự cầu nguyện, trong sự rao giảng hay là trong bất cứ hình thức phục vụ nào, chìa khóa là biết được làm thế nào để phóng thích quyền phép của Đức Thánh Linh và trở thành những ống dẫn hay những công cụ mà qua đó Ngài có thể vận hành mà không chút ngăn trở.

Thấy được điều nầy, chúng ta có thể tiến tới sự kiện chìa khóa kế tiếp của Kinh Thánh. Bản chất xác thịt cũ của chúng ta chống lại Đức Thánh Linh. Đặc tính của bản chất cũ của chúng ta là không chịu đầu phục Đức Thánh Linh, nó luôn luôn chống đối với Đức Thánh Linh. Ở trong Tân ước, bản tánh xác thịt nầy tức là những gì chúng ta có bởi thiên nhiên trước khi chúng ta được đổi mới qua sự tái sanh, được gọi là ‘xác thịt’. Nó là toàn bộ bản tánh mà chúng ta thừa hưởng bởi sự di truyền từ tổ phụ đầu tiên của chúng ta, là Ađam vốn một con người nổi loạn. Nói cách khác, trong mỗi chúng ta ẩn núp ở đâu đó có một con người nổi loạn, đó chính là bản tánh xác thịt.

Galatli 5:16-17 Phaolô nói về bản tánh xác thịt nầy: ‘Vậy, tôi nói rằng: Hãy bước đi theo Thánh Linh, chớ hề làm trọn những điều ưa muốn của xác thịt. Vì xác thịt có những điều ưa muốn trái với Thánh Linh, Thánh Linh có những điều ưa muốn trái với xác thịt, hai bên trái nhau dường ấy, nên anh em không làm được điều mình muốn là”.

Đây là điều rất rõ ràng và rất quan trọng. Bản tánh xác thịt là chống nghịch với Thánh Linh của Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta đầu phục bản tánh xác thịt, thì chúng ta chống nghịch Thánh Linh Đức Chúa Trời. Nếu chúng ta muốn đầu phục Đức Thánh Linh, chúng ta phải xử lý với bản tánh xác thịt, bởi vì bao lâu bản tánh xác thịt kiễm soát và vận hành qua chúng ta, thì những gì chúng ta làm sẽ chống nghịch với Đức Thánh Linh. Điều nầy không chỉ áp dụng vào những dục vọng thuộc thể của chúng ta, nhưng cũng áp dụng vào điều mà Kinh thánh gọi là tâm trí xác thịt, tức là lối suy nghĩ của bản tánh xác thịt cũ khi chưa được tái sanh hay suy nghĩ. Có một câu rất mạnh mẽ trong Rôma 8:7 ‘ Sự chăm về xác thịt (tâm trí xác thịt) nghịch với Đức Chúa Trời...’ Đây là những từ ngữ mạnh mẽ mà Phaolô đang dùng, Ông nói rằng xác thịt chống lại Đức Thánh Linh , Tâm trí xác thịt là kẻ thù nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Nó không đứng trung lập ở giữa. Không có gợi ý nào cho thấy bản tánh xác thịt hay tâm trí sáx thit bằng một cách nào đó có thể được thuyết phục để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Điều đó là bất năng. Tâm trí xác thịt do bản chất của nó là kẻ thù chống nghịch Đức Chúa Trời.

Tâm trí xác thịt là gì? Tôi hiểu theo cách nầy : đó là linh hồn cũ chưa được tái sanh trong những nhiệm vụ chính của nó. Các nhiệm vụ của linh hồn thường được định nghĩa như là ý chí, sự thông minh và những cảm xúc. Mỗi nhiệm vụ của nó được tóm lại bằng những chữ ngắn gọn quen thuộc. Ý chỉ nói : “ tôi muốn”. Sự thông minh ( hay tâm trí) nói : “ tôi suy nghĩ”. Cảm xúc nói : “ tôi cảm thấy”. Con người tự nhiên chưa được tái sanh bị trống trị và kiểm soát bởi những biểu lộ nầy quả “ cái tôi” hay còn gọi là “ bản ngã” : “ tôi muốn, tôi nghĩ, và tôi cảm thấy” Đây là cách bản tách xác thịt vận hành. Nếu chúng ta phải đi đến chỗ đầu phục Đức Thánh linh, và nếu Đức Thánh linh cần vận hành qua chúng ta cách tự do, thì bản tánh xác thịt phải được đưa đến chỗ đầu phục Đức Thánh linh. Chúng ta phải đem cái “ tôi muốn, tôi nghĩ và tôi cảm thấy” cho sự đầu phục Thánh linh Đức Chúa Trời. Theo phương cách của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh, việc nầy được thực hiện bằng sự kiêng ăn. Đó là cách Jêsus đã làm, đó là cách Phaolô đã làm và cũng là cách bạn và tôi được trông đợi phải làm.

Sau đây là lời chứng của Phaolô về cách thế nào ông đã chiến đấu với bản tánh xác thịt của ông, và làm thế nào ông đã chiến thắng được bản tánh đó.... Trong 1 Côrinhtô 9 : 25 -27, Phaolô mô tả sự đấu tranh nầy trong ngôn ngữ của một lực sĩ đang chịu huấn luyện để đạt được chiến thắng trong cuộc tập dợt : “Hết thảy những người đua tranh ( trong thế vận hội tự mình chịu lấy mọi sự kiêng kỵ, họ chịu vậy để được mão triều thiên hay hư nát. Nhưng chúng ta chịu vậy để được mão triều thiên không hay hư nát. Vậy thì tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ, tôi đánh không phải là đánh gió ( ông nói : “ tôi là người có mục đích, tôi là người có kỷ luật”, và ông tóm lượt điều đó theo cách nầy).... Tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác mà chính mình phải bị bỏ chăng”.

Phaolô đã nhận biết rằng ông phải đem bản tánh xác thịt đến chỗ đầu phục Đức Thánh linh nếu ông muốn thành công trong sự kêu gọi thiên thượng. Điều nầy để lại trong chúng ta một câu hỏi : Ai là chủ và ai là tớ trong mỗi chúng ta ? Có phải thân thể là chủ, còn Thánh linh là tớ? Hoặc là Thánh linh làm chủ, còn thân thể làm đầy tớ? Tôi xin thưa với bạn điều nầy : thân thể của bạn là một đầy tớ tốt, nhưng nó là một ông chủ kinh khủng.

Tôi còn nhớ một người bạn của tôi, một luật sư ở vùng Washington D.C là người đã nghe tôi giảng về sự kiêng ăn, một lần kia đã quyết định rằng điều đó là một điều phải nên làm. Ông đã định ra ngày để kiêng ăn, và ông đã chịu một ngày khổ sở. Rồi lần ông bước ra ngoài đường là dường như ông đang đứng bên ngoài cửa nhà hàng ăn là nơi có mùi nấu nướng hay mùi bánh ngọt đang bày bán trong cửa kính bay ra, ông có một cuộc tranh chiến nội tâm rất to lớn. Vì thế, vào cuối ngày hôm đó, ông đã nói chuyện tay đôi với bao tử của ông : “ Nầy, bao tử hôm nay mầy nổi loạn dữ. Mầy đã gây nhiều rắc rối không cần thiết cho ta, và vì lý do đó ta sẽ sửa phạt mầy, ngày mai ta sẽ kiêng ăn nữa giống như ngày hôm nay”.

Đối với tôi đây là một bài học to lớn trong việc thiết lập ai là chủ và ai là đầy tớ. Hãy nhớ rằng thân thể của bạn là một đầy tớ tốt, nhưng lại là một chủ xấu. Nếu bạn thật sự muốn thành công trong đời sống Cơ đốc nhân, và giữ được mão triều thiên trong cuộc đua thuộc linh Cơ đốc, thì bạn phải thiết lập tự kiêng trong kinh nghiệm của bản thân rằng thân thể của bạn không được làm chủ hay kiểm soát bạn, và bạn không bị kiểm soát bởi những ý thích hay sự thèm muốn của nó. Trái lại, bạn phải được kiểm soát bởi một ý thức về số phận và mục đích thiêng liêng của Đức Chúa Trời cho đời sống của bạn. Từ đó bạn sẽ làm mọi sự cần thiết để đưa thân thể đến chỗ đầu phục, để nó không làm chủ hoặc ngăn trở bạn trong cuộc chạy đua của bạn. Tôi tin rằng một trong những phương cách căn bản theo Kinh thánh đây là sự thực hành kiêng ăn đều đặn. Khi kiêng ăn, bạn lưu ý với thân thể và bản tánh xác thịt của bạn rằng : “ Mầy không kiểm soát ta, ta không đầu phục mầy. Mầy là đầy tớ ta, mầy sẽ vâng theo những gì Thánh linh của Đức Chúa Trời trong ta tuyên bố là ta phải làm.


SỰ KIÊNG ĂN CÓ THỂ THAY ĐỔI LỊCH SỬ.

Chúng ta Đã thấy thể nào sự kiêng ăn thay đổi nhân cách bề trong của chúng ta theo một số những nguyên tắc. Trước hết, chúng ta phải nhận thức rằng quyền năng của đời sống Cơ đốc nhân là Đức Thánh linh. Đức thánh linh là quyền năng duy nhất giúp chúng ta có thể sống một đời sống Cơ đốc nhân đích thực. Thứ hai, chúng ta phải nhận thức rằng xác thịt của chúng ta, bản tánh của chúng ta chống nghịch với Đức thánh linh, cả hai trái nghịch lẫn nhau. Nếu xác thịt thắng thế, Thánh linh không thể làm theo đường lối Ngài. Thứ ba, sự kiêng ăn là đường lối chỉ định của Đức Chúa Trời để đưa Thánh linh được tự do để giúp chúng ta làm được điều Đức Chúa Trời đòi hỏi chúng ta làm.

Riêng bản thân tôi, tôi tin rằng không có cách nào để đo lường nổi quyền phép đã được phóng thích bởi sự cầu nguyện và kiêng ăn khi việc đó được thực hành với những động cơ đúng đắn và phù hợp theo những nguyên tắc của Kinh thánh. Quyền lực được phóng thích như thế có thể thay đổi không chỉ cá nhân, hoặc các gia đình, nhưng còn cả các thành phố các dân tộc hay các nền văn minh.

Tôi muốn chia xẻ một số các thí dụ từ Kinh thánh về thế nào sự kiêng ăn đã ảnh hưởng đến số phận của các thành phố, các dân tộc và các triều đại. Thí dụ đầu tiên của chúng ta là từ cách Giôna Đức Chúa Trời đã kêu gọi Giôna, một tiên tri Ysơraên, đến Ninive một thành phố ngoại bang và là kinh đô của đế quốc Asiry. Giôna đã không chịu đi và đã cố chạy trốn Đức Chúa Trời, nhưng Đức Chúa Trời đã xử lý với ông cách nghiêm khắc. Sau đây là bản ký thuật ở sách Giôna đoạn 3, bắt đầu từ câu 1 : “ Lại có lời của Đức Giêhôva phán cùng Giôna lần thứ hai rằng : Ngươi khá chờ dậy “ Hãy đi đến các thành lớn Ninive, và rao cho nó lời Ta đã dạy cho ngươi. Vậy, Giôna chờ dậy và đi đến Ninive theo lệnh của Đức Giêhôva. Và Ninive là một thành rất lớn, đi mất ba ngày đường. Giôna khởi đầu vào trong thành đi một ngày thì rao giảng và nói rằng : Còn 40 ngày nữa Ninive sẽ bị đổ xuống”.

Sứ điệp rất đơn giản của Giôna là một lời cảnh cáo sau cùng về sự phán xét sắp xảy đến trên thành phố. Sự đáp ứng của dân Ninive thật đáng để ý. Ở câu 5, chúng ta đọc thấy : “ Dân thành Ninive tin Đức Chúa Trời. Họ rao ra sự kiêng ăn và mặc bao gai, từ những người rất lớn trong đám họ cho đến những kẻ rất nhỏ ( dấu hiệu bề ngoài của sự khóc than). Tin ấy đồn đến vua Ninive, vua đứng dậy khỏi ngai, lột áo bào mình ra, quấn bao gai và ngồi trong tro”.

Ở đây có một bức tranh cả thành phố quay về cùng Đức Chúa Trời trong sự kiêng ăn, ăn năn và khóc than. Lệnh truyền được công bố ra càng đáng chú ý hơn : “ Lời dụ của vua cùng các kẻ tộc trưởng : không luận người ta hay thú vật, không luận bầy bò hay bầy chiên, đều chớ nếm chỉ hết. Không được để cho nó ăn, cũng không uống nước”. Đây là sự kiêng ăn toàn phần, không chỉ cho người mà cho cả súc vật nữa, không chỉ cho họ cử ăn mà cử uống nữa. Và rồi lời công bố tiếp tục : “ Nhưng người ta và thú vật đều phải vấn bao gai ( lần nữa, đây là dấu hiệu bên ngoài của sự khóc than). Mọi người ai nấy khá ra sức kêu cùng Đức Chúa Trời. Phải ai nấy khá bỏ đường xấu mình và việc hung dữ của tay mình”.

Sự đáp ứng toàn diện nầy là rất quan trọng. Sự kiêng ăn sẽ không ích lợi gì nếu chúng ta tiếp tục làm diều sai quấy. Nhưng đây là sự giúp dỡ thuộc linh vô giá cho chúng ta trong việc quay bỏ điều xấu để làm điều tốt. Vì thế, dân thành Ninive đã không chỉ kiêng ăn và quấn bao gai họ còn công bố : “ Ai nấy khá bỏ đường xấu mình là việc hung dữ của tay mình”. Từ trong Kinh thánh, chúng ta tìm thấy tội lỗi nổi bật của dân thành Ninive là sự hung dữ, tàn bạo.

Rồi có lời công bố cách nầy : “ Ai biết rằng Đức Chúa Trời sẽ không xây lại và ăn năn khỏi cơn nóng giận mình, hầu cho chúng ta khỏi chết hay sao?” ( Bây giờ sau đây là lời giải nghĩa thiên thượng về việc nầy trong câu 10) : “ Bấy giờ, Đức Chúa Trời thấy việc họ làm đều đã xây bỏ đường lối xấu của mình....”.

Bạn còn nhớ Giăng Báptít rao giảng một sứ điệp về sự ăn năn, khi một số người đến xin chịu Báptêm như là bằng cớ của sự ăn năn. Ông nói : Tôi muốn thấy việc làm của các người đã ăn năn cho đến khi ta thấy việc các ngươi làm”. Như trường hợp của dân thành Ninive Đức Chúa Trời đã nhìn họ nên Ngài đồng lòng thương xót và không hủy diệt họ như Ngài đe dọa.

Điều rất thích thú là nhìn thấy kết quả trong lịch sử, Ninive đã được tha suốt gần 200 năm trước khi nó bị hủy diệt lần cuối cùng. Trong thời gian đó ở Ysơraên, Đức Chúa Trời đã có vị tiên tri khác nhau như là Amốt và Ôsê đã mang đến sứ điệp cảnh cáo về sự phán xét và kêu gọi dân Ysơraên ăn năn. Dân Ysơraên đã có Kinh thánh, họ đã có bối cảnh của Môise và luật pháp, và họ đã có những tiên tri. Nhiều tiên tri đã đến với họ nhưng họ không quay lại, Ninive đã không có được bối cảnh như thế. Một vị tiên tri đã đến với họ một lần, và cả thành phố đều quay đầu. Thật là đáng cho chúng ta lưu ý ! Hiệu quả thích thú là Đức Chúa Trời tha cho thành Ninive, và rồi đã dùng đế quốc Asiry mà Ninive vốn là thủ đô, để đem sự phán xét đến trên Ysơraên.

Tôi tin sự phán xét dân Ysơraên là một lời cảnh cáo các quốc gia tây phương, là mối mà chúng ta có một bối cảnh lâu dài về truyền thống Cơ đốc, về sự hiểu biết Kinh thánh và về Hội thánh, có thể nào Đức Chúa Trời đã phán với chúng ta và chúng ta đã bịt tai lại như dân tộc Ysơraên ? Có thể Đức Chúa Trời sai sứ giả Ngài đến với một số dân tộc vốn không có bối cảnh Cơ đốc giáo để họ quay đầu ăn năn và Ngài lại dùng dân tộc đó. Có thể một dân tộc như Liên - xô hoặc Trung Hoa sẽ đem sự phán xét đến trên những dân tộc tự xưng là các quốc gia Cơ đốc nhưng không chịu ăn năn ? Phải chăng sứ điệp đó có thể hợp thời cho chúng ta ngày hôm nay?

Về thí dụ thứ hai, thể nào lịch sử đã thay đổi bằng việc kiêng ăn, chúng ta xem sách Êxơtê. Dân Do thái đã bị lưu đày tại đế quốc Ba- tư vốn bao gồm 127 tỉnh, và bao phủ cả thế giới cổ, từ Ai - cập cho đến Ấn độ. Thực tế mà nói, mọi người Do Thái trên thế giới lúc bấy giờ đã sống trong những vùng giới hạn của đế quốc Ba- tư. Một người tên là Haman đã được thăng quan tiến chức trong triều đình đế quốc Ba - tư, và ông đã thuyết phục nhà vua hãy ban hành một chiếu chỉ toàn quốc để hủy diệt tất cả dân tộc Do Thái trong toàn đế quốc vào một ngày nào đó. Điều nầy có lẽ gần như là mọi người Do Thái đều bị tân diệt - trong một ý nghĩa - còn gần hơn là Adoiph Hitler trong thế chiến thứ hai. Đây là một cơn khủng hoảng mà dân Ysơraên chưa từng bao giờ đương đầu trong suốt lịch sử của họ. Sự đáp ứng của họ với cơn khủng hoảng nầy là quay lại cùng Đức Chúa Trời với sự kiêng ăn và cầu nguyện. Đặc biệt hoàng hậu Êxơtê; vốn là người Do Thái mặc dù nhà vua không biết bối cảnh chủng tộc của bà, đã nêu một gương sáng và đã trở thành một gương mẫu cho tất cả thế hệ sau nầy về quyền năng của sự cầu nguyện và kiêng ăn để cầu thay, có thể thay đổi dòng lịch sử. Đây là một sự mô tả chép trong sách Êxơtê 4 : 15 -17 : “ Bà Êxơtê bèn biểu đáp lại cùng Mạc đô chê rằng : Hãy đi nhóm hiệp những người Giuđa ở tại Susơ, rồi hãy vì tôi kiêng cữ ăn trong 3 ngày và đêm, chớ ăn hay uống chi hết, tôi và các nàng hầu của tôi cũng sẽ kiêng cử ăn nữa, như vậy tôi sẽ vào cùng vua là việc trái luật pháp, nếu tôi phải chết thì tôi chết”.

Dân tộc Do Thái biết họ phải làm gì. Việc nầy đã được thiết lập trong ngày đại lễ chuộc tội. Họ biết cách để hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời là “ kiêng ăn”. Tất cả các người Do Thái ở kinh đô Su - sơ, từ Êxơtê trở xuống đã dành riêng ba ngày cầu nguyện và kiêng ăn. Kết quả là gì? Trong Êxơtê 5 : 1-3, chúng ta đọc thấy những lời nầy:

“ Ngày thứ ba, sau khi cầu nguyện và kiêng ăn bà Êxơtê mặc đồ triều phục và ra chầu đứng tại nội viên, đối trước cung điện vua. Vua đang ngự trên ngôi tại trong cung điện trước cửa đền. Vừa khi vua thấy hoàng hậu đứng chầu nơi nội viên, thì bà được ơn trước mặt vua. Vua giơ tay cho bà Êxơtê cây phủ việt vàng ở nơi tay mình. Bà Êxơtê lại gần và rờ đầu cây phủ việt. Vua nói với bà rằng : Hỡi hoàng hậu Êxơtê ngươi muốn chi ? Cầu xin điều gì? Dầu đến phân nửa nước, cũng sẽ ban cho ngươi”.

Bà Êxơtê đã đi vào cung điện với lời thỉnh cầu của bà, và bà đã thay đổi quá trình lịch sử của đế quốc Ba - tư. Thay vì thất bại và xấu hổ tình hình đã trở nên vinh hiển và vinh thăng cho người Do Thái và cho các nhà lãnh đạo của họ. Mặc đôchê và Êxơtê . Bước ngoặc chính yếu đó là thời kỳ ba ngày khi bà Êxơtê và tất cả những người Do Thái ở Susơ đã kiêng ăn và tìm kiếm Đức Chúa Trời. Vào thời điểm đó, số phận họ đã thay đổi. Khi Êxơtê vào gặp nhà vua, vua đã nói : “ Người muốn chi? Cầu xinh điều gì? Dầu đến phân nửa nước cũng sẽ ban cho”. Nói cách khác, sự cầu nguyện và kiêng ăn của bà đã mở đường cho tất cả những điều bà có cần để đem ích lợi về cho dân tộc bà.

Êxơtê là một gương mẫu đẹp đẽ cho chúng ta ngày nay. Đức Chúa Trời đang tìm kiếm những người đàn ông và đàn bà như Êxơtê là người nhận thức được tính chất nghiêm trọng của tình trạng chúng ta và quay về cùng Đức Chúa Trời với những tín hữu khác trong sự cầu nguyện và kiêng ăn. Sự cầu nguyện và kiêng ăn vẫn có thể kêu gọi sự can thiệp thiên thượng vì lợi ích của dân sự Ngài và tình hình nghiêm trọng trong thế giới ngày nay, cũng giống như thời Êxơtê vậy. Đức Chúa Trời đang khẩn trương phán với dân sự Ngài trong những ngày nầy về nhu cầu cầu nguyện và kiêng ăn.


SỰ MỞ ĐẦU CƠN MƯA ĐẦU MÙA.

Chúng ta đã thấy quyền năng vô hạn đã được phóng thích bởi sự cầu nguyện và kiêng ăn, khi được thực hành bởi những động cơ đúng đắn và phù hợp với nguyên tắc Kinh thánh. Quyền năng được phóng thích như thế có thể thay đổi không những chỉ cá nhân, gia đình, nhưng cả thành phố, cả dân tộc và cả nền văn minh nữa. Hai thí dụ lịch sử trong Kinh thánh về sự kiêng ăn và cầu nguyện là thành phố Ninive trong thời Giôna, và người Do thái trong đế quốc Ba - tư thời Êxơtê. Trong mỗi trường hợp quá trình lịch sử đã thực sự thay đổi cách lâu dài khi một nhóm người đã hạ mình xuống trước mặt Đức Chúa Trời bằng sự cầu nguyện và kiêng ăn.

Tuy nhiên, chúng ta không nên nhìn vào loại biểu lộ quyền năng thay đổi dòng lịch sử của Đức Chúa Trời như là một việc gì đó được giới hạn vào quá khứ. Có thể lắm, bằng những phương tiện như xưa trong sự cầu nguyện và kiêng ăn, chúng ta có thể kêu xin sự can thiệp của Đức Chúa Trời trong lịch sử ngày nay cũng đầy quyền năng và cũng hùng tráng y như lịch sử từ xưa đã chép trong Kinh thánh. Điều nầy rất cần thiết và là điều có thể xảy ra cách vinh hiển. Tôi tin rằng Đức Chúa Trời đang chờ đợi chúng ta làm điều nầy.

Để hiểu những gì Đức Chúa Trời mong đợi chúng ta theo đường lối nầy, chúng ta quay trở lại với tiên tri Giôên. Giôên đã cho chúng ta một cái nhìn tổng quát ngắn gọn nhưng hàm xúc về những mục đích của Đức Chúa Trời cho dân sự của Ngài trong những ngày sau rốt nầy. Giôên mở đầu với một khung cảnh hoàn toàn bị tàn phá và hoang vu, một hình ảnh về một tình trạng tuyệt vọng vô phương trong Giôên 1 : 8 -12:

“ Ngươi khá than khóc như một người nữ đồng trinh mặc bao gai đặng khóc chồng mình thửơ còn trẻ tuổi. Của lễ chay và lễ quán đã cất khỏi nhà Đức Giêhô va, Các thầy tế lễ hầu việc Đức Giêhôva đang ở trong sự tang chế. Đồng ruộng bị phá hoang và đất đường sâu thẳm vì lúa mì bị hủy hoại. Rượu mới đã cạn, dầu đà hao tốn. Hỡi kẻ cầy ruộng, hãy hổ thẹn. Hỡi kẻ làm vườn nho, hãy than khóc vì cớ lúa mình và mạch nha vì mùa ngoài đồng đã mất. Cây nho khô héo, cây vả hao mòn, cây lựu cũng như cây chà là, cây tần, mọi cây cối ngoài đồng đều khô héo, sự vui vẻ đã khô héo đi khỏi con trai loài người”.

Tình trạng thật hoang vu, tuyệt vọng, tàn rụi, khóc than và hoàn toàn vắng bóng niềm vui. Nhưng rồi Đức Chúa Trời bày tỏ giải pháp cứu rỗi đã định của Ngài qua vị tiên tri nầy những lời sau đây. Giôên 1 : 13 -14, Đức Chúa Trời chỉ dạy dân sự Ngài:

“ Hỡi các thầy tế lễ, hãy nịt lưng và than khóc Hỡi các ngươi là kẻ làm việc ở bàn thờ, hãy thở than Hỡi kẻ chức dịch của Đức Chúa Trời ta, hãy đến mặc áo bao gai mà nằm cả đêm. Vì của Lễ Chay và Lễ quán không được vào trong nhà Đức Chúa Trời các ngươi : Khá định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể, nhóm các trưởng lạo và hết thảy dân cư trên đất lại nơi nhà Giêhôva Đức Chúa Trời các ngươi và hãy kêu cùng Đức Giêhôva”.

Giải pháp của Đức Chúa Trời là định một sự kiêng ăn và tìm kiếm Đức Chúa Trời tha thiết bằng sự cầu nguyện. “ Định” ở đây có nghĩa là biệt riêng một thời gian cho Đức Chúa Trời khi bạn sẽ kiêng ăn. Lời Đức Chúa Trời kêu gọi đã được lập lại ở trong Giôên 2 : 12 : “ Đức Giêhôva phán : Bây giờ hãy hết lòng trở về cùng ta, kiêng ăn, khóc lóc và buồn rầu ! .....một lần nữa, đòi hỏi căn bản vẫn là kiêng ăn. Thêm một ít nữa ở Giôên 2 : 15-17:

“ Hãy thổi kèn trông Siôn ( nghĩa là công bố cho mọi dân sự của Đức Chúa Trời). Hãy định sự kiêng ăn gởi một hội đồng trọng thể. Hãy nhóm dân sự, biệt riêng hội chúng nên thánh, hãy mời các trưởng lão đến đó! Hãy họp lại các con trẻ và những đứa đương bú vú! Người chồng mới khá ra khỏi buồng mình, và người vợ mới khá ra khỏi chốn động phòng (Mọi người phải tìm kiếm Chúa , không trừ một ai. Tất cả những công việc hằng ngày đều tạm thời để qua một bên).

“Các thầy tế lễ. là những kẻ hầu việc Đức Giêhôva khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ, và nói rằng: Hỡi Đức Giêhôva xin hãy tiếc dân Ngài và chớ để cơ nghiệp Ngài bị sĩ nhục và bị các nước cai trị. Làm sao để người ta nói giữa các dân tộc rằng: Nào Đức Chúa Trời chúng nó đâu?”.

Sau đây là lời đáp ứng của Đức Chúa Trời dành cho sự cầu nguyện và kiêng ăn của dân sự Ngài. Giôên 2 : 23-29 : “ Hỡi con gái Siôn, các ngươi hãy nức lòng vui vẻ và mừng rỡ trong Giêhôva Đức Chúa Trời ngươi ! Vì Ngài ban mưa phải thời cho các ngươi về mùa đầu và xuống mưa dồi dào về mùa đầu và mùa cuối cho các ngươi nơi tháng đầu tiên. Những sân sẽ đầy lúa mì, những thùng tràn rượu mới và dầu. Ta sẽ đền bù cho các ngươi về mấy năm đã cắn phá bởi cào cào, sâu lột vỏ, sâu kẹo và châu chấu là đạo binh lớn mà Ta đã sai đến giữa các ngươi, các ngươi sẽ đủ ăn và được no nê. Các ngươi sẽ ngợi khen Danh Giêhôva Đức Chúa Trời mình là Đấng đã xử các ngươi cách lạ lùng. Rồi dân Ta sẽ không hề bị xấu hổ nữa. Các ngươi sẽ biết rằng Ta ở giữa Ysơraên, biết rằng Ta là Giêhôva Đức Chúa Trời các người và chẳng có ai khác. Dân Ta trên các loài xác thịt. Con trai và con gái các ngươi sẽ thấy chiêm bao, những kẻ trai trẻ û các ngươi sẽ xem sự hiện thấy. Trong những ngày đó, dầu những đầy tớ trai và đầy tớ gái Ta cũng đổ Thần Ta lên. “ Đáp ứng với sự cầu nguyện và kiêng ăn của dân sự Ngài, Đức Chúa Trời phán : “ Ta sẽ đến giúp đỡ các ngươi, Ta sẽ thay đổi toàn bộ tình hình Ta sẽ cất đi sự tàn hại, thiếu thốn và cung cấp tất cả mọi nhu cầu cho các ngươi. Các ngươi sẽ được dư dật, tràn ngập và không còn là lời chê bai ở giữa các dân tộc. Các ngươi sẽ có thể ngước đầu lên và những dân tộc khác sẽ nói : Hãy xem những gì Đức Chúa Trời đã làm cho họ.”

Đặc biệt Đức Chúa Trời hứa rằng Ngài sẽ ban cho dân sự Ngài cơn mưa đầu mùa và cuối mùa cần thiết. Rồi Ngài phán trong sự áp dụng thuộc linh về cơn mưa, “ Ta sẽ đổ thần ta trên mọi người”. Ở Tân ước, chúng ta đọc những lời của sứ đồ Phierơ nói với đám đông người tụ họp vào ngày Lễ Ngũ Tuần sau khi Đức Thánh linh đã giáng lâm ( Công vụ 2 : 16-18) : “....... Nhưng ấy là điều Đấng tiên tri Giôên đã nói tiên tri rằng ( ông liên kết điều nầy với lời tiên tri của Giô - ên) : Đức Chúa Trời phán, Trong những ngày sau rốt Ta sẽ đổ Thần Ta khắp trên mọi loài xác thịt. Con trai và con gái các ngươi đều sẽ nói lời tiên tri, bọn trai trẻ sẽ thấy điềm lạ và người già cả sẽ có chiêm bao. Phải trong những ngày đó Ta sẽ đổ Thần Ta trên khắp cả đầy tớ trai và gái Ta, chúng nó đều nói lời tiên tri”.

Đức Chúa Trời đã chuẩn bị một sự đổ đầy có tầm vóc toàn thế giới về Đức Thánh linh Ngài trên Hội thánh Ngài trong những ngày sau rốt này. Đây là câu trả lời cho nhu cầu cấp thiết và áp lực của thời đại nầy. Đây là câu trả lời của Ngài cho các thế lực Satan, không thờ Chúa, đang chống nghịch lại dân sự của Đức Chúa Trời từ qua nhiều lãnh vực và cho sự tàn lụi và thiếu đói không dự định bỏ của Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời không dự định bỏ cho dân sự Ngài bất lực vô phương, hoặc sẽ cho tất cả những thế lực và áp lực gian ác. Ngài rũ lòng thương xót họ. Đức Chúa Trời có một sự cung cấp, một giải pháp Ngài đã hứa đổ tràn Thánh linh của Ngài và giúp đỡ dân sự của Ngài trên một bình diện siêu nhiên. Nhưng Ngài đã phán rằng với điều kiện là chúng ta phải tìm kiếm Ngài với sự cầu nguyện và kiêng ăn hiệp một và tập thể.

Hãy để ý đến lời hứa trong Giô - ên 2 : 28 : “ Sau đó, Ta sẽ đổ Thần Ta trên các loài xác thịt.....” Sau cái gì? Sau khi chúng ta đã đáp ứng những điều kiện Đức Chúa Trời đã nêu lên. Chúng ta phải định sự kiêng ăn, gọi một hội đồng trọng thể, tìm kiếm Đức Chúa Trời và cùng nhau cầu nguyện, kiêng ăn. Rồi Ngài phán, Ngài sẽ thành tín giữ lời kết ước với chúng ta. Ngài phán : “ Ta sẽ đến với các ngươi trong quyền phép và sự đầy dẫy Thánh linh để thay đổi toàn bộ tình hình. Thay vì sợ hãi và thất bại, các ngươi sẽ trở nên mạnh mẽ và thành công. Thay vì chê bai các ngươi, thế gian sẽ đứng sững sờ kính phục khi họ thấy thế nào là Đức Chúa Trời đã đến giúp đỡ dân sự của Ngài.

Trong khi dân sự của Đức Chúa Trời được kêu gọi để cầu nguyện và kiêng ăn, sứ điệp của Giô - ên đã đặt một trách nhiệm đặc biệt trên những nhà lãnh đạo thuộc linh của dân sự Đức Chúa Trời. Có ba giai cấp dân sự được đưa ra mấy lần để nhắc đến cách đặc biệt, đó là : những thầy tế lễ, các chức dịch và các Trưởng lão : “ Hỡi các thầy tế lễ, hãy nịt lưng và than khóc. Hỡi các ngươi là kẻ làm việc ở bàn thờ, hãy thở than” ( Giô - ên 1 : 13-14). Và câu 15 : “ gọi một hội đồng trọng thể, nhóm các Trưởng lão......” Có sự nhấn mạnh trên các thầy tế lễ, những chức dịch và những Trưởng lạo”.

Giô - ên 2 : 16-17 : “ Hãy nhóm dân sự, biệt riêng Hội chúng nên thánh, hãy mời các Trưởng lão đến đó. Các thầy tế lễ là những kẻ hầu việc Đức Giêhôva, khá khóc lóc giữa hiên cửa và bàn thờ.....”. Có một nhu cầu thiết yếu cho những người giữ vai trò lãnh đạo của Đức Chúa Trời trở về với gương mẫu cầu nguyện và kiêng ăn tập thể nầy để tìm kiếm sự can thiệp của Đức Chúa Trời cho dân sự Ngài. Chúng ta cần lấy lại lẽ thật của câu Kinh Thánh quen thuộc ở 2 Sử ký 7 : 14 : “ Nhược bằng dân sự ta, là dân gọi bằng Danh Ta, hạ mình xuống, cầu nguyện tìm kiếm mặt Ta và trở lại, bỏ con đường tà, thì Ta ở trên trời sẽ nghe, tha thứ tội chúng nó và cứu xứ họ khỏi tai vạ”.

Tôi tin rằng đây là sứ điệp cho chúng ta ngay thời đại nầy. Đức Chúa Trời đang phán với chúng ta một lần nữa, rằng Ngài sẽ can thiệp cả trên bình diện quốc gia. Ngài sẽ không chỉ tỏ ra chính mình Ngài là mạnh mẽ vì ích lợi của cá nhân và các gia đình, nhược còn vì cả những thành phố, những cộng đồng và cả những quốc gia. Đó là loại can thiệp Ngài đã nói đến trong 2 Sử ký 7 : 14. Nhưng Ngài đòi hỏi dân sự Ngài đáp ứng những điều kiện của Ngài. Điều kiện thứ nhất là”.......Nhược bằng ( nếu) dân sự Ta.... hạ mình xuống”...Chúng ta đã thấy trong bài học của chúng ta rằng đây có nghĩa là sự kiêng ăn và cầu nguyện, hiệp một và tập thể. Từ ngày đại lễ chuộc tội trở đi, đây là đường lối chỉ định cho dân sự Đức Chúa Trời hạ mình xuống trước mặt Ngài, và nghi lễ của Đức Chúa Trời không thay đổi. Ngài đang chờ các nhà lãnh đạo dân sự thay đổi. Ngài đang chờ các nhà lãnh đạo dân sự của Đức Chúa Trời hiệp lại cầu nguyện và kiêng ăn.

 

Tác giả: Derek Prince



© 1999-2017 Tinlanh.Ru